Ngày 19.12 (theo giờ Moscow), Tổng thống Putin đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí thường niên. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kéo dài hơn 4 tiếng, xung đột Ukraine trở thành một chủ đề được đề cập khá nhiều.
Từ điều kiện cho Ukraine
Cụ thể, ông Putin vẫn nhấn mạnh về sự “thành công” của Nga trong cuộc xung đột Ukraine. Ông giải thích rằng trước khi tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi tháng 2.2022, Nga đã có nguy cơ mất đi nền độc lập, nhưng nay thì vấn đề này đã được giải quyết.
Tuy vậy, ông Putin cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump để thảo luận về một số vấn đề, bao gồm cả đàm phán hòa bình với Ukraine. Tuy nhiên, chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh không chấp nhận bất cứ điều kiện tiên quyết nào của Kyiv để ngồi vào bàn đàm phán. Suốt thời gian dài, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt điều kiện tiên quyết để đàm phán là Moscow trả lại các vùng đất chiếm đóng của Ukraine.
Chỉ đến ngày 29.11 vừa qua, trả lời phỏng vấn trên Đài Sky News, Tổng thống Zelensky cho biết nếu có thể gia nhập NATO, để liên minh này bảo vệ những vùng đất mà Ukraine vẫn còn đang giữ được, thì Kyiv có thể đạt đồng ý thỏa thuận ngừng bắn. Điều này được xem là Kyiv đã đồng ý từ bỏ điều kiện tiên quyết trước khi tiến đến đàm phán, mở ra cơ hội hai bên hòa đàm.
Thế nhưng, trong phần trả lời phỏng vấn trên, ông Putin lại đặt ra một điều kiện mới về thỏa thuận đàm phán nếu đạt được. Cụ thể, ông nhấn mạnh Nga chỉ ký kết thỏa thuận với một “chính phủ hợp pháp” của Ukraine. Điều kiện này ám chỉ việc Moscow không công nhận chính quyền của Tổng thống Zelensky. Thực tế, nhiệm kỳ của Tổng thống Zelensky lẽ ra đã kết thúc, nhưng ông trì hoãn tổ chức bầu cử với lý do xung đột đang diễn ra. Chính vì thế, điều kiện mà chủ nhân Điện Kremlin đưa ra có thể được hiểu là Ukraine phải tổ chức bầu cử và Nga chấp nhận kết quả bầu cử là “hợp lệ”.
Như thế, quá trình đi đến thỏa thuận ngừng bắn có thể còn nhiều cam go ngay cả khi Moscow và Kyiv cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Đến thách thức phương Tây
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, Tổng thống Putin đề cập đến loại tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) bội siêu thanh Oreshnik và cho rằng phương Tây không đủ sức đánh chặn loại IRBM này. Tên lửa Oreshnik có tầm bắn từ 3.000 – 5.500 km cùng tốc độ Mach 10 (gấp 10 lần vận tốc âm thanh) và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
“Phương Tây có thể đặt ra mục tiêu, giả sử ở Kyiv, rồi tập trung toàn bộ hệ thống phòng không tại đó. Chúng ta sẽ phóng Oreshnik nhằm vào đó để xem kết quả thế nào”, ông Putin đề xuất.
Cuối tháng 11.2024, sau khi được Mỹ cho phép dùng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, Kyiv đã phóng nhiều tên lửa ATACMS nhằm vào Nga. Nhưng sau đó, Moscow đã đáp trả bằng cách phóng Oreshnik để tấn công Ukraine. Đó là lần đầu tiên Nga sử dụng IRBM bội siêu thanh để tấn công Ukraine kể từ khi bùng nổ xung đột Ukraine.
Trả lời Thanh Niên, đánh giá về động thái của Nga, một chuyên gia tình báo quân sự của Mỹ cho rằng: “Đây là phản ứng leo thang của Moscow đáp trả việc Kyiv tấn công tầm xa sâu vào Nga. Nó như việc tàu chiến nổ súng về phía mũi tàu đối phương để cảnh báo. Đó là lời cảnh báo rằng đối phương không được lặp lại bất kỳ hành vi nào tương tự, nếu không thì phát súng tiếp theo có thể gây thiệt hại lớn hơn”. Vì tên lửa Oreshnik có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, nên việc Nga phóng loại tên lửa này còn kèm theo ngụ ý về tấn công hạt nhân.
Xa hơn, động thái của Moscow còn nhằm răn đe cả các thành viên NATO ở trong khu vực.
Bồ Đào Nha lên án các cuộc tấn công của Nga ở Kyiv
Hôm qua (20.12), Reuters đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp công bố gói hỗ trợ vũ khí cuối cùng dưới thời ông Biden cho Ukraine. Gói hỗ trợ này từ nguồn tiền còn lại trong kế hoạch viện trợ đã được thông qua để mua vũ khí mới cho Ukraine. Có giá trị khoảng 1,2 tỉ USD, gói vũ khí này bao gồm máy bay đánh chặn phòng không và đạn pháo, nhưng danh sách chi tiết cần chờ thông báo chính thức.
Cũng vào hôm qua, tờ The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Paulo Rangel cho biết: “Đã có một cuộc tấn công rất dữ dội của Nga vào Kyiv, và cuộc tấn công đã gây thiệt hại vật chất cho các cơ sở ngoại giao của một số quốc gia, bao gồm cả Đại sứ quán Bồ Đào Nha ở Kyiv”. Qua đó, ông Rangel chỉ trích Moscow: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc tấn công gây thiệt hại hoặc nhắm mục tiêu vào các cơ sở ngoại giao”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-kho-cho-hoa-dam-giai-quyet-xung-dot-ukraine-185241220230436723.htm