SGGP
Người dùng Web 3.0 (thế hệ web thứ 3 của nền tảng công nghệ internet nhằm tạo ra các trang web và ứng dụng thông minh hơn) có quyền quản lý sự riêng tư ở mức tối đa, cho phép thông tin nào được hiện ra hay ẩn đi theo ý muốn. Hơn nữa, môi trường Web 3.0 không có các bên thứ ba tác động hay theo dõi những nội dung, giao dịch do người dùng tạo ra.
Một sự kiện về blockchain được tổ chức tại TPHCM (ảnh lớn) và sự khác biệt giữa Web 1.0, Web 2.0 và Web 3.0 (ảnh nhỏ). Ảnh: TẤN BA |
Bảo mật thông tin
Web 3.0 là một thuật ngữ để chỉ về thế hệ tiếp theo của world wide web (trình duyệt web) – hay có thể hiểu là nơi để kết nối và sử dụng internet. Đây vẫn còn là một thuật ngữ rất mới, vẫn chưa được định nghĩa chính xác và thậm chí người dùng internet thông thường có thể cảm thấy xa lạ với Web 3.0 nhưng thực tế nó đã hiện hữu. Để hiểu cơ bản về Web 3.0, chúng ta cần quay về với lịch sử hình thành của các thế hệ web trước đây.
Thế hệ web đầu tiên ra đời là Web 1.0, là những trang web tĩnh đã được viết sẵn bởi người tạo ra web đăng lên internet, người truy cập chỉ có thể đọc thông tin được đề ra, tức tương tác một chiều hoặc tương tác rất giới hạn giữa trang web và người đọc. Một số ví dụ về Web 1.0 là trang Wikipedia, công cụ tìm kiếm Yahoo!, Google, email… Tiếp theo đó là sự ra đời của Web 2.0, thế hệ web hiện tại, cho phép người dùng có thể đăng nội dung mình muốn, có thể bình luận và tương tác hai chiều trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, TikTok… Với Web 1.0 và Web 2.0, người dùng sẽ tạo một tài khoản với mật khẩu để bảo vệ tài khoản ở từng nền tảng khác nhau, dùng chúng để đăng nhập và sử dụng. Thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến rất nhiều vụ việc thông tin cá nhân bị sử dụng cho những mục đích thương mại gây phiền hà và quan ngại từ chính các nền tảng lớn như Facebook, Google. Hay nguy hiểm hơn là những đối tượng đánh cắp thông tin người dùng với dụng ý xấu đã gây nhiều lo lắng cho người dùng. Đó là hạn chế của Web 1.0 và Web 2.0.
Với Web 3.0 có sự khác biệt lớn, mỗi một người sẽ có một “chìa khóa riêng” (private key) để tự tạo ví và tài khoản của bản thân chỉ một lần và tài khoản đó có thể tích hợp với bất kỳ trang Web 3.0 nào để tương tác theo ý người dùng. Không gian Web 3.0 cũng mang tính phi tập trung, mở rộng hơn cho người dùng trực tiếp truy cập thông tin trên mạng. Như vậy, nếu ứng dụng Web 3.0, lợi ích lớn mà nó mang đến cho người dùng thật sự toàn quyền sở hữu và quản lý sự riêng tư về thông tin của bản thân trên không gian mạng, đồng thời loại trừ được bên trung gian gây ảnh hưởng lên thông tin tài khoản của người dùng. Web 3.0 giúp giảm thiểu những nhược điểm của thế hệ web trước đây, thông tin truy cập được tối ưu hóa và sự bảo mật cao nhờ vào công nghệ blockchain.
Tạo ra mô hình kinh tế mới
Lợi ích lớn mà Web 3.0 tạo ra là những mô hình và nền kinh tế mới trên không gian số. Đầu tiên là những nền tảng giao dịch NFT có sự liên hệ với vật phẩm thực, tạo nên nhiều giá trị gia tăng nhờ xác thực tính độc nhất của NFT. Dẫn chứng là các nhãn hàng thời trang nổi tiếng như Nike, Prada, Gucci, Louis Vuitton… đã vận dụng thành công mô hình này. Việc mua sắm trên mạng qua các sàn thương mại điện tử vận dụng Web 3.0 cũng loại bỏ được một số trở ngại về việc trả thêm phí đưa hàng lên nền tảng hoặc dựa vào các bên thanh toán thứ 3, khi chính hãng kinh doanh lẫn người dùng chỉ giao dịch trực tiếp với nhau. Web 3.0 cũng có sự tối ưu dành cho nền công nghiệp sáng tạo nội dung. Nhìn vào cách YouTube hoạt động, tiền từ quảng cáo được chạy trên video của người tạo nội dung sẽ được đưa cho YouTube trước, sau đó YouTube sẽ tính toán để chia phần với người tạo nội dung. Còn trong môi trường Web 3.0, số tiền này sẽ được gửi trực tiếp từ ví của bên quảng cáo vào ví người tạo nội dung, hoặc người xem cũng có thể trực tiếp ủng hộ cho người tạo nội dung họ yêu thích qua mô hình này.
Bất cứ sự thay đổi hay đổi mới nào cũng có khó khăn bước đầu, cái mới không thể khẳng định ngay lập tức nhưng thói quen sử dụng Web 3.0 đã dần hình thành, là tín hiệu tốt cho thế hệ Web 3.0. Web 1.0 và Web 2.0 sẽ không biến mất hoàn toàn mà có sự dịch chuyển và dự báo không lâu, chúng ta sẽ chứng kiến mô hình Web 3.0 với không gian mạng phi tập trung, mở rộng và tự do hơn, trở thành phương thức truy cập internet thường nhật trong đời sống của mọi người.
Tuy nhiên, Web 3.0 vẫn còn một số hạn chế và bất tiện. Thứ nhất là khi người dùng mất đi private key, họ sẽ mất tất cả thông tin hoặc tài sản lưu trữ trong ví đó. Đây là một bất cập rất lớn nên nhiều công ty công nghệ đang nghiên cứu mở rộng thêm phương pháp để khắc phục. Hiện đã có một số giải pháp sáng tạo xuất hiện như trình duyệt chuyên dụng cho Web 3.0 là Brave, bản nâng cấp của Opera, hay ở Việt Nam thì Cốc Cốc đang phát triển một trình duyệt chuyên Web 3.0 với đầy đủ công cụ và tính năng cần thiết, thân thiện với cả người dùng Web 2.0 và Web 3.0. Trở ngại tiếp theo là chưa có khung pháp lý rõ ràng liên quan đến quyền sở hữu, quyền bảo mật riêng tư trên không gian mạng theo môi trường Web 3.0. Điều này tùy thuộc vào tầm nhìn quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ mới của từng quốc gia.
Sự phát triển từ Web 2.0 lên Web 3.0 đã diễn ra vài năm nay và chúng ta chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu của sự chuyển đổi. Cùng với sự chuyển đổi này, thế hệ người dùng tiếp theo là Gen Z và các thế hệ sau nên dự báo Web 3.0 sẽ mau chóng trở nên phổ biến.