Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí thân mật, ấm áp và đầy cảm hứng xoay quanh hỏi, đáp thú vị từ các bạn trẻ với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về định hướng nghề nghiệp, gợi mở tương lai; chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập cùng những lời khuyên bổ ích để vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường phát triển bản thân.
Thế hệ trẻ cần nỗ lực tìm ra chính mình và định nghĩa lại nghề nghiệp trong tương lai
Bộ trưởng đã động viên các bạn trẻ mạnh dạn phát triển bản thân, nỗ lực hết mình để tìm ra chính mình và định nghĩa lại nghề nghiệp tương lai. Bộ trưởng chia sẻ, trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, thế hệ trẻ có nhiều không gian sống, làm việc, sáng tạo và phát triển. Chính vì thế, ngành nghề nào cũng đều có cơ hội cho bạn trẻ phát triển.
Bộ trưởng khuyến khích và mong muốn các bạn trẻ luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng và luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; làm chủ chính mình và sử dụng công nghệ số để định nghĩa lại các ngành nghề một cách đúng đắn, đó chính là cách phát triển nhanh nhất để tiến tới thành công.
Chia sẻ thêm về việc tìm ra chính mình, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, trong thời đại chuyển đổi số, mỗi cá nhân cần khám phá và hiểu rõ bản thân để tận dụng tối đa tiềm năng của mình. Việc tìm ra chính mình không chỉ là việc định hướng nghề nghiệp mà còn là xác định giá trị bản thân, sống đúng với những nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm xã hội. “Mình tìm ra được điều bản thân mình yêu thích, làm tốt sẽ tạo ra nhiều giá trị cho mình hơn, tìm ra cái đặc biệt của riêng mình sẽ dễ yêu quý sự khác biệt của người khác hơn, từ đó các con tự toả sáng theo cách của riêng mình”.
Bộ trưởng khẳng định, thế hệ trẻ hôm nay chính là những người sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển ngành TT&TT, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.
Chọn nghề theo lý thuyết ba vòng tròn giao nhau
Chia sẻ về câu chuyện chọn nghề, theo Bộ trưởng,các bạn trẻ có thể chọn theo lý thuyết ba vòng tròn giao nhau, đó là: “Việc mình thích”, “Việc mình giỏi” và “Việc tạo ra nhiều giá trị cho xã hội”. Điểm giao thoa giữa ba vòng tròn này sẽ là nghề nghiệp lý tưởng cho thanh niên. Trong trường hợp chưa rõ mình thích và giỏi gì, các bạn trẻ có thể chọn lấy một ngành nghề để theo học và làm; nhưng khi đã chọn thì cần làm đến cùng và đạt đến mức xuất sắc. “Làm một việc bất kỳ phải làm đến xuất sắc thì các con sẽ có đủ tự tin để làm những việc khác xuất sắc như thế”.
Du học hay học tập tại Việt Nam?
Đối với những câu hỏi và thắc mắc về việc nên du học hay ở lại học tập tại Việt Nam, Bộ trưởng cũng chia sẻ về câu chuyện đi học của mình với rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Theo Bộ trưởng, việc học tập ở đâu không quan trọng bằng việc học gì và học như thế nào. Mỗi hình thức đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Và việc được lựa chọn chính là cơ hội của các bạn trẻ. Tuy nhiên, dù đi du học hay ở lại quê hương, điều quan trọng nhất là cần giữ lấy gốc của mình là người Việt Nam với ngôn ngữ, văn hóa và phong tục của người phương Đông. “Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng để chúng ta không chỉ thành công mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với câu hỏi về cách nhìn nhận và trở thành người tài, Bộ trưởng nêu quan điểm: Để trở thành người tài, nên chọn những việc khó để thử thách bản thân. Việc khó sẽ vất vả hơn nhưng chính những khó khăn đó sẽ giúp các bạn trưởng thành hơn. “Xung phong nhận việc khó để làm, chính là cách mình trở thành người tài”, Bộ trưởng khẳng định, khuyến khích các bạn trẻ dám nghĩ dám làm và không ngại thử thách.
Buổi gặp mặt kết thúc để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các bạn trẻ tham dự. Đây là cơ hội để các bạn trẻ học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và lắng nghe những lời khuyên bổ ích, ý nghĩa từ lãnh đạo ngành TT&TT; từ đó tiếp thêm động lực để các bạn trẻ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện bản thân, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong tương lai./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/the-he-tre-hay-thu-va-manh-dan-thu-den-tan-cung-de-tim-ra-chinh-minh-197240718192948449.htm