Tối 30-8, trong chương trình “Đêm huyền thoại” tổ chức tại Nhà hát Bến Thành, NSND Lệ Thủy và NSND Minh Vương cùng các ngôi sao sân khấu đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Đặc biệt, với trích đoạn “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”, bà và NSND Minh Vương đã nhận được nhiều cảm tình của khán giả. Cả hai nghệ sĩ vẫn luôn nỗ lực để làm tốt vai diễn của mình, dù tất cả đều đã U80.
Các nghệ sĩ thế hệ vàng có mặt trong chương trình như: Lệ Thủy, Minh Vương, Ngọc Giàu, Bảo Quốc, Trọng Hữu, Chí Tâm, Thoại Miêu, Hoài Thanh, Đỗ Quyên và các nghệ sĩ thế hệ sau này như: Châu Thanh, Thanh Hằng, Phượng Hằng, Phượng Loan, Linh Tâm, Thoại Mỹ, Trọng Phúc, Kim Tử Long, Ngân Tuấn, Tú Sương, Võ Minh Lâm… đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc khi diễn lại những trích đoạn vang bóng một thời: “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Hàn Mạc Tử”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Người tình trên chiến trận”…
Vào đầu thập niên 1960, những ai có giọng tốt, ca vọng cổ hay thì có nhiều hy vọng trở thành đào kép chánh vì khán thính giả những năm đó rất mê nghe ca vọng cổ. Các nghệ sĩ như: Minh Vương, Minh Cảnh, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ và Lệ Thủy nhờ có giọng tốt và biệt tài ca vọng cổ mà làm nên sự nghiệp sân khấu của mình.
Vừa xuất hiện ở sân khấu chỉ với đôi ba lần được ca vọng cổ, giọng ca của NSND Lệ Thủy đã được người trong giới nhận ra có đặc điểm mới lạ giữa những làn hơi vọng cổ đương thời. Nhờ thế mà liền sau đó bà đã được các hãng dĩa nhựa mời thu vọng cổ và sớm nổi danh với các bài ca cổ thu dĩa: Nấu bánh đêm xuân, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Ðài, Cô hàng chè tươi…
Giọng ca của NSND Lệ Thủy thời đó đã được giới chuyên môn khen tặng với nét độc đáo của làn hơi kim pha thổ phong phú, giàu biểu cảm. Người thì nói đơn giản là giọng ca như chuông ngân. Người thì nói hát nghe êm tai, nghe dịu mát, trong ngần như đêm trăng sáng giữa bầu trời xanh, hoặc là cảm giác dễ chịu như làn gió mát trên sông.
Các ký giả kịch trường thời đó đã miêu tả giọng ca nghệ sĩ Lệ Thủy ngọt ngào nhưng mộc mạc chân phương nên rất ăn khách. Khán giả yêu thích nghệ sĩ Lệ Thủy bởi trong chất mộc mạc, trữ tình có sự sang cả, chân thật, đậm đà tình cảm dễ đi vào lòng người.
Không chỉ nổi trội về ca và sớm nổi danh ở lãnh vực thu âm cho làng dĩa nhựa và các đài phát thanh thập niên 1950-1960, NSND Lệ Thủy còn chứng tỏ tài năng diễn xuất của chị với Huy chương vàng Giải Thanh Tâm (1964) chỉ sau ba năm kể từ khi chị bước chân vào sân khấu cải lương (gánh Trâm Vàng). Cũng trong năm 1964, NSND Minh Vương lúc đó đã được trao giải Khôi Nguyên vọng cổ.
Nguồn: https://nld.com.vn/nsnd-le-thuy-the-he-chung-toi-luon-la-nhung-ngoi-sao-binh-di-196240831110733179.htm