Nhiệt độ toàn cầu đang tăng nhanh, đe dọa cuộc sống hàng triệu người buộc các thành phố lớn trên thế giới phải tìm cách ứng phó bằng nhiều sáng kiến khác nhau.
Các thành phố ở Mỹ, như Phoenix, có hệ thống trung tâm làm mát để giúp người dân hồi phục sau những ngày nắng nóng. |
Ghi nhận nhiều kỷ lục
Nhiệt độ ở Bắc bán cầu đang phá vỡ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác với đợt nóng khủng khiếp mà các quốc gia từ Mỹ, Trung Quốc đến Nhật Bản, Italy và Tây Ban Nha ghi nhận.
Ở Trung Quốc, truyền thông địa phương đưa tin, nhiệt độ kỷ lục mới đã lên tới 52 độ C (125,6 độ F) ở vùng Tây Bắc đất nước. Trong khi đó, các nhà chức trách Nhật Bản đã đưa ra “cảnh báo sốc nhiệt” và kêu gọi hàng triệu người tự bảo vệ mình khỏi cái nóng thiêu đốt. Ở Mỹ, đợt nóng gay gắt đã ảnh hưởng đến 80 triệu người. Tại Tây Ban Nha, một nhân viên vệ sinh đường phố đã qua đời vì sốc nhiệt khi làm việc ngoài trời.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability vào tháng 5, nếu khí hậu tiếp tục nóng hơn – kịch bản có khả năng xảy ra – thì khoảng 3,3 tỷ người có thể phải đối mặt với nhiệt độ cực đoan vào cuối thế kỷ này.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Exeter của Anh và Đại học Nam Kinh của Trung Quốc tiến hành cho thấy 60 triệu người đang phải chống chọi với mức nhiệt nguy hiểm, với nhiệt độ trung bình từ 29 độ C trở lên. Hiện tại, mức nhiệt thế giới đang cao hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học nghiên cứu về tác động của thời tiết phát hiện ra rằng, những đợt nắng nóng oi bức ở Mỹ vào tháng 6 là do tác động của biến đổi khí hậu, trong khi mức nhiệt 40 độ C ở Anh vào năm 2022 gần như không thể xảy ra nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mùa Hè năm ngoái, đợt nóng đã khiến hơn 60.000 người ở châu Âu thiệt mạng.
Nhưng tại sao nắng nóng lại nguy hiểm đối với con người như vậy và các quốc gia có thể làm gì để chuẩn bị cho người dân và thành phố đối phó với các đợt nắng nóng đang ngày càng trầm trọng hơn?
Ứng phó với nhiệt độ cực đoan
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, một số thành phố chịu nhiều ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ hơn là do “hiệu ứng đảo nhiệt”. Những tòa nhà, đường phố và cơ sở hạ tầng hấp thụ và bức xạ nhiệt từ ánh sáng mặt trời nhiều hơn so với môi trường tự nhiên như rừng và thủy vực, làm nhiệt độ ở các đô thị trong một số trường hợp tăng lên đến 15 độ C so với khu vực nông thôn.
Santiago (Chile) đang trồng 30.000 cây xanh trên khắp thành phố và có kế hoạch thành lập các khu rừng có quy mô nhỏ với vai trò như các trung tâm giải nhiệt. |
Nhiều thành phố trên thế giới đã bổ nhiệm một số quan chức phụ trách quản lý theo dõi nhiệt độ để đối phó vấn đề nhiệt tăng cao. Cristina Huidobro là một trong số đó, bà nhậm chức ở thủ đô Santiago của Chile vào tháng 3/2022.
Bà Huidobro chia sẻ với DW: “Rất nhiều thành phố trên thế giới đối mặt với nhiệt độ cực đoan, nhưng các giải pháp và cách tiếp cận đều rất mang tính địa phương”.
Tuy nhiên, bà cho biết, tất cả đều tuân theo một chiến lược với ba hướng, gồm chuẩn bị, nhận thức và thích nghi.
“Chuẩn bị” có thể bao gồm việc phân loại các đợt nắng nóng giống như các thiên tai khác, hoặc thiết lập ngưỡng cảnh báo để kích hoạt phản ứng nhất định của thành phố.
Theo bà, nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nắng nóng là một trong các vai trò cần phải kể đến.
“Tự chăm sóc bản thân trong thời tiết nóng bức thật ra rất đơn giản – uống nước, tìm những nơi có bóng mát và nghỉ ngơi”, bà nói.
Hướng thứ ba là thành phố cần phải thích nghi với thực tế nhiệt độ tăng cao, chủ yếu bằng cách xây dựng thêm nhiều không gian xanh hơn.
Santiago vừa khởi động dự án tái trồng rừng tại đô thị để trồng 30. 000 cây xanh trên khắp thành phố và phát triển các chiến lược coi cây cối là một phần của cơ sở hạ tầng đô thị.
“Cây, cây, cây, cây ở khắp mọi nơi. Chúng mang thêm màu xanh cho thành phố”, Huidobro nói.
Nhưng trồng cây không đơn giản như mọi người nghĩ.
“Chúng tôi đang trồng cây trên những con phố thực sự đông đúc, chẳng hạn như các đại lộ chính của thành phố vốn có rất nhiều xi măng. Cần phải đào hố và làm một số công tác xây dựng cơ bản”.
Đây cũng không phải là giải pháp tức thời để giảm nhiệt độ đô thị vì cây cần thời gian để phát triển.
“Toàn bộ ý tưởng là nỗ lực để tạo ra bóng râm cho 20 hoặc 30 năm tới”, bà Huidobro cho biết.
Đa dạng cách làm
Cho đến nay, Mỹ – nơi mà các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng có 12. 000 người chết sớm mỗi năm do nắng nóng – đã bổ nhiệm ba quan chức phụ trách quản lý nhiệt độ tại Phoenix, Miami và Los Angeles.
Thành phố Los Angeles thuộc tiểu bang California, vốn được xếp hạng là nơi dễ bị tác động bởi thiên tai bao gồm cả các đợt nắng nóng nhất, gần đây đã khởi động một chiến dịch để xây dựng thêm nhiều “trung tâm phục hồi” với bóng râm và hệ thống làm mát bằng năng lượng tái tạo tại các cộng đồng có nguy cơ cao. Thành phố này đã có một mạng lưới các trung tâm giải nhiệt chủ yếu tại các thư viện, nơi mọi người có thể đến để tránh nóng.
Họ cũng đang nghiên cứu một hệ thống cảnh báo sớm các đợt nắng nóng.
Phoenix, một thành phố ở giữa sa mạc Sonoran, đang thực hiện một số phương án để thích nghi, bao gồm xây dựng vỉa hè làm mát với chất trám đặc biệt có khả năng phản xạ ánh nắng mặt trời. Chất trám này giúp hạ nhiệt độ mặt đường xuống vài độ và không khí ban đêm mát mẻ hơn.
Một nhân viên bảo vệ đi ngang qua hệ thống phun sương trên cao vào một ngày nóng ở quận Ginza, Tokyo. |
Thành phố Miami ở Florida đang khởi động chiến dịch trồng cây, chi hàng triệu USD đầu tư máy điều hòa không khí cho cư dân sống trong các nhà ở công cộng và hỗ trợ tài chính giúp trang trải hóa đơn điện của những hộ gia đình có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, bà Huidobro cho biết, điều hòa không khí thường là phương án cuối cùng để thích nghi do những ảnh hưởng đến khí hậu.
Santiago muốn trồng 33 khu rừng quy mô nhỏ để làm “nơi trú ẩn khí hậu”, đặc biệt ở gần các trường học và cơ sở y tế. Đây là một phương án thay thế cho các trung tâm làm mát bằng điều hòa đang được phát triển ở Mỹ và châu Âu.
Bà Huidobro cho biết: “Trong đợt nắng nóng, mọi người có thể vào bên trong các trung tâm làm mát tự nhiên này tìm bóng râm, nghỉ ngơi và uống nước”.