Thời tiết cực đoan đã làm chết 2 triệu người và gây tổn thất hơn 4.000 tỉ USD trong 50 năm qua, theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) trực thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Nhà cửa tan hoang sau khi bão Mocha quét qua bang Rakhine, Myanmar hôm 16-5. Ảnh: AP
Trong báo cáo công bố hôm 22-5, WMO cho rằng gần 12.000 thảm họa thời tiết đã xảy ra trên toàn cầu giai đoạn 1970-2021. Sự tàn phá này được cảm nhận rõ nhất ở các quốc gia đang phát triển, khi nơi đây chiếm 90% số người thiệt mạng và 60% tổng thiệt hại kinh tế. “Những cộng đồng mong manh nhất không may đang gánh chịu những hiện tượng cực đoan liên quan nước, khí hậu, thời tiết”, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nói.
Châu Á chiếm gần 50% số người thiệt mạng và phân nửa trong số này là ở Bangladesh. Trong hơn 733.500 nạn nhân xấu số tại châu Phi, có 95% trường hợp do hạn hán.
Theo WMO, thiệt hại kinh tế đang tăng, nhưng việc phối hợp kiểm soát thảm họa và cải thiện cảnh báo sớm đã kéo giảm số người chết trong nửa thế kỷ qua.
Siêu bão Mocha hồi tuần rồi đã minh họa cho điều đó. Bão Mocha đã tàn phá trên diện rộng ở Myanmar và Bangladesh, ảnh hưởng đến những người nghèo nhất. Trước đây, trong những thiên tai tương tự Mocha, hai quốc gia châu Á này từng ghi nhận hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người chết vì thời tiết cực đoan. Nhưng nhờ hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát thảm họa, tỷ lệ tử vong như thế giờ chỉ còn là lịch sử. Chỉ 145 người Myanmar thiệt mạng do bão Mocha.
Vào thập niên 2010, số người chết vì thiên tai trên toàn cầu đã giảm xuống còn dưới 20.000 người/năm, so với hơn 50.000 ca/năm trước đó. Tổn thất này trong năm 2020 và 2021 cộng lại chỉ là 22.608 nạn nhân. Theo WMO, cảnh báo trước 24 giờ với một cơn bão hoặc đợt nắng nóng có thể giúp giảm 30% thiệt hại về người.
Báo cáo trên nằm trong sáng kiến “Cảnh báo sớm cho tất cả” của LHQ mà mục tiêu là đảm bảo rằng các dịch vụ cảnh báo sớm sẽ tới tay mọi người trên Trái đất vào cuối năm 2027. Hiện chỉ có khoảng 50% dân số thế giới tiếp cận được thông tin cảnh báo sớm, trong đó độ bao phủ ở châu Phi, các đảo quốc nhỏ đang phát triển và những nước kém phát triển nhất là cực kỳ thấp.
HẠNH NGUYÊN (Theo NY Daily News, Al Jazeera)