Gia nhập NATO: Khe cửa hẹp với Ukraine
Thứ Sáu, 2/12/2022| 17:22Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Bucharest (Romania) từ ngày 29-30/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, hiện tại Ukraine nên tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền của mình thay vì cố gắng gia nhập NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: Reuters)
"Nhiệm vụ trước mắt và cấp bách nhất là Ukraine cần đảm bảo nền dân chủ độc lập, có chủ quyền ở châu Âu. Để làm được như vậy, chúng ta cần huy động nhiều nhất có thể về hỗ trợ quân sự, kinh tế, tài chính và nhân đạo cho Ukraine", ông Stoltenberg nói.
Theo Tổng thư ký NATO: Nếu Ukraine không đảm bảo là một quốc gia độc lập có chủ quyền thì tất nhiên vấn đề tư cách thành viên sẽ hoàn toàn không được bàn đến.
Tại hội nghị, ngoại trưởng các nước NATO đã thống nhất rằng “cánh cửa gia nhập NATO” vẫn mở với Ukraine nhưng hiện “chưa phải lúc” để nước này gia nhập. Theo Bloomberg, một vài quốc gia thành viên NATO đang xem xét kỹ lưỡng bởi nếu Ukraine gia nhập vào thời điểm hiện tại thì cả khối có thể bị kéo vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Do thiếu sự đồng thuận về vấn đề này, các nước NATO đã nhất trí sẽ tiếp tục ưu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine để đảm bảo Kiev đạt lợi thế trên chiến trường.
Khát vọng gia nhập khối quân sự NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã nhen nhóm từ chính quyền Kiev với chính sách “bài Nga, thân Mỹ” từ hàng thập kỷ qua, thậm chí việc gia nhập NATO được ghi vào Hiến pháp Ukraine.
Tháng 2/2022, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa” chính quyền Kiev. Điện Kremlin tuyên bố, chiến dịch chỉ kết thúc khi Ukraine cam kết trung lập, không gia nhập NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự, công nhận chủ quyền hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk và công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga.
Sau khi Nga sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, ngày 30/9 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nộp đơn xin gia nhập NATO trong thời gian ngắn nhất.
Xác nhận thông tin này, Thủ tướng Ukraine D.Shmyhal cho hay, Kiev cần nhanh chóng gia nhập liên minh quân sự NATO để có được “ô bảo trợ” của Mỹ và phương Tây, trước sự “xâm lược của Nga”. “Trên thực tế, Ukraine đã là một đồng minh của NATO”, ông D.Shmyhal khẳng định.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 23/8. (Ảnh: AFP)
Ngày 2/10, lãnh đạo của 9 quốc gia NATO gồm Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Litva, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia, đã bày tỏ sự ủng hộ với việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.
"Chúng tôi ủng hộ Ukraine trong việc chống lại Nga, yêu cầu Nga ngay lập tức rút khỏi tất cả vùng lãnh thổ chiếm đóng và khuyến khích tất cả đồng minh gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine", tuyên bố chung của lãnh đạo 9 quốc gia có đoạn.
Tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo "kiên quyết ủng hộ quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO Bucharest năm 2008, liên quan đến tư cách thành viên tương lai của Ukraine".
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2008, các thành viên NATO hoan nghênh nguyện vọng gia nhập của Ukraine và Gruzia, nhưng từ chối đưa ra lịch trình rõ ràng. Tuyên bố chung ngày 2/10 của 9 nước thành viên NATO cũng không đề cập đến mốc thời gian cho Ukraine gia nhập.
Tuy nhiên, tham vọng của Chính phủ Kiev không dễ dàng thực hiện bởi chiến lược toàn cầu của các liên minh và quốc gia lớn mạnh về kinh tế, quân sự chi phối. Về mặt thủ tục, để trở thành thành viên NATO chính thức, Ukraine cần có sự chấp thuận của tất cả 30 nước thành viên.
Trong cuộc họp báo vào cuối tháng 9/2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng cũng như bất cứ quốc gia châu Âu nào khác, Ukraine có quyền nộp đơn xin gia nhập NATO, ngay cả khi liên minh này tìm cách tránh xung đột trực tiếp với Nga.
"Chúng tôi đã khẳng định nhiều lần rằng cánh cửa NATO luôn rộng mở", Stoltenberg nói, nhưng tiếp tục chỉ ra thực tế rằng để được gia nhập, Ukraine cần sự ủng hộ của toàn bộ 30 thành viên của khối.
Cho đến nay chiến sự với Nga vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, trong khi các thành viên NATO và Mỹ từ lâu đã nỗ lực giữ cho xung đột không vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
Còn nhớ sau khi Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tuyên bố quá trình gia nhập NATO của Ukraine "nên được thực hiện vào thời điểm khác" và "cách tốt nhất bây giờ để ủng hộ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế, trên thực địa". Đây được coi là "gáo nước lạnh" dội vào nỗ lực gia nhập của Ukraine, bởi chỉ cần một thành viên NATO không ủng hộ, cơ hội được kết nạp sẽ bằng không.
Thành Luân
Trung Quốc đang dần thay đổi chiến lược Zero-Covid?
Sự gia tăng cố ca mắc Covid-19 diễn ra giữa bối cảnh Trung Quốc phải quyết định liệu sẽ chấp nhận để virus lây lan hay quay lại chiến lược Zero-Covid với các...
Ngày lễ cuối năm ở nhiều nước châu Âu bớt lung linh vì khủng hoảng năng lượng
Tại nhiều nước châu Âu, các nhà chức trách đều đã giới hạn giờ chiếu sáng cho dịp lễ, trong khi nhiều nơi đã chuyển sang sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng...
Phụ nữ Ả Rập Xê Út lần đầu vào sân bóng theo dõi World Cup: Kết quả tích cực trong cải cách nhân quyền
Lần đầu tiên được có mặt tại sân bóng theo dõi các trận đấu tại mùa giải World Cup là một trải nghiệm tuyệt vời và bước ngoặt đối với những người phụ nữ Ả Rập...
Trung Quốc đẩy nhanh hiện đại hóa toàn diện quân đội?
Ngày 29/11, theo Báo cáo Quốc phòng hàng năm của Mỹ trước Quốc hội về khả năng quân sự của Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh đã lên kế hoạch hiện đại hóa toàn diện...
Tham vọng cường quốc không gian của Trung Quốc
Lần đầu tiên 6 phi hành gia Trung Quốc cùng có mặt trên không gian, sau sứ mệnh phóng tàu Thần Châu 15 vào vũ trụ được thực hiện vào đêm 29/11/2022. Đây được...
Gam màu nào cho bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023?
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm sút trong năm 2023 sắp tới do lạm phát kéo dài. Trong bức tranh kinh tế toàn cầu sẫm mầu ấy, khu vực châu Á nổi lên...