Chung tay giải bài toán thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng số toàn cầu
Chủ nhật, 4/12/2022| 17:23"Internet linh hoạt vì một tương lai chung bền vững" là chủ đề của Diễn đàn Quản trị internet lần thứ 17 được tổ chức tại Addis Ababa của Ethiopia từ ngày 28/11 đến ngày 2/12. Sau 11 năm, Diễn đàn Quản trị internet đã được tổ chức tại châu Phi - khu vực có ít kết nối nhất, với 60% dân số không có khả năng truy cập internet.
Diễn đàn Quản trị internet lần thứ 17 (Ảnh: BTC).
Giới phân tích cho rằng, sự kiện diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo về hệ lụy của tình trạng bất bình đẳng về kỹ thuật số sẽ góp phần giúp kiến tạo nhiều giải pháp hiệu quả cho một tương lai kỹ thuật số mở, tự do, toàn diện và an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Nguy cơ bất bình đẳng số
Sự phát triển của công nghệ số đang làm thay đổi cuộc sống của con người. Phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều đã có hạ tầng băng rộng để sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá lớn về trình độ phát triển, công nghệ, tốc độ... giữa các nước và khu vực. Một thống kê gần đây của Liên hợp quốc cho biết 2,7 tỷ người trên thế giới, mà trong đó phần lớn là phụ nữ và hầu hết ở các nước đang phát triển, vẫn chưa thể truy cập internet.
Ngay cả tại các nền kinh tế phát triển, nguồn lực và năng lực chuyển đổi số cũng không đồng đều. Kết quả cuộc khảo sát, do Chính phủ Anh tài trợ, cho thấy hơn 50% số công chức nhận định các cơ quan công quyền tại nước này vẫn thiếu công cụ công nghệ, nguồn lực và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số trong các dịch vụ công. Khoảng 63% số công chức làm công tác chuyển đổi số cho rằng công nghệ cũ là rào cản, 61% đổ lỗi cho việc thiếu kinh phí, trong khi 50% đề cập tới việc không thể tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Hơn 75% số người được hỏi cho rằng, đổi mới là chìa khóa để cải thiện chất lượng dịch vụ công, trong khi hơn 75% muốn được đào tạo nhiều hơn về kỹ năng kỹ thuật số.
Sự chênh lệch kỹ thuật số đã là rất lớn từ ngay trước đại dịch Covid-19, nhưng sự xuất hiện của đại dịch đã làm bộc lộ rõ mối đe dọa nghiêm trọng của bất bình đẳng kỹ thuật số đối với sự phát triển kinh tế, mà còn đối với an ninh và ổn định quốc tế. Những xung đột địa chính trị, bao gồm sự rạn nứt giữa nước giàu, nước nghèo, đang được chuyển sang môi trường kỹ thuật số, nơi đầy rẫy những xung đột và căng thẳng gia tăng.
Theo các chuyên gia, thế giới đã quan tâm nhiều đến vấn đề bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên bất bình đẳng số hiện vẫn là nội dung chưa được chú trọng. Trong khi đó, sự chênh lệch về trình độ kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế, mà còn là yếu tố quan trọng trong an ninh và ổn định quốc tế. Thậm chí, khoảng cách kỹ thuật số ngày càng sâu sắc giữa các nước phát triển và đang phát triển cũng khiến các cuộc thảo luận toàn cầu về kỹ thuật số thiếu tính toàn diện. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Chủ tịch Nhóm Phát triển bền vững của Liên hợp quốc Amina Mohammed từng đưa ra lời cảnh báo trước Ðại hội đồng Liên hợp quốc rằng, nếu cộng đồng quốc tế không có hành động quyết đoán, khoảng cách kỹ thuật số sẽ trở thành "diện mạo mới của sự bất bình đẳng".
Nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng số
Diễn đàn Quản trị internet lần thứ 17 được tổ chức châu Phi - khu vực có ít kết nối nhất, với 60% dân số không có khả năng truy cập internet bởi vậy là sự kiện có ý nghĩa. Với các chính sách phù hợp được áp dụng, rõ ràng, công nghệ kỹ thuật số có thể tạo ra một "cú huých" chưa từng có đối với sự phát triển bền vững, đặc biệt với các nước nghèo nhất. Các hoạt động từ Diễn đàn sẽ góp phần kêu gọi các hành động tập thể và chia sẻ trách nhiệm để tăng cường kết nối, bảo vệ quyền con người, tìm các giải pháp giảm "nghèo đói kỹ thuật số", quản lý dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư, thúc đẩy các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến…
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Li Junhua (L.Giun-hua) nhấn mạnh rằng, "nhiệm vụ tập thể" tại Addis Ababa là giải phóng sức mạnh và tiềm năng của internet linh hoạt vì tương lai chung và bền vững.
Các cuộc thảo luận đang được tiến hành ở nhiều cấp độ đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy các cam kết chính trị về thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra và hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vào cuối thập niên này. Các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho hay, vấn đề tiếp cận không đồng đều với Công nghệ thông tin là trở ngại chính để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Do đó, Mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau đồng nghĩa bảo đảm khả năng kết nối cho tất cả mọi người trong môi trường số. Ðể đạt được khả năng kết nối toàn cầu, không thể chỉ phụ thuộc hành động riêng lẻ của các chính phủ hoặc công ty công nghệ, mà cần một nỗ lực chung, với sự hợp tác giữa chính quyền trung ương và địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức đa phương và cả người dân.
Hiện tại, một số chương trình đang được thực hiện ở cấp độ quốc tế nhằm giảm khoảng cách chênh lệch kỹ thuật số. Liên hợp quốc đã thông qua Lộ trình hợp tác kỹ thuật số, trong đó đề ra nhiệm vụ đảm bảo kết nối Internet trên toàn hành tinh đến năm 2030. Ủy ban băng thông rộng do UNESCO lãnh đạo trong 10 năm qua đã nỗ lực để khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ thông tin.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra sáng kiến “GIGA”, đặt mục tiêu kết nối mọi trường học trên hành tinh với Internet. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ việc thu hẹp bất bình đẳng kỹ thuật số giữa phụ nữ và phát triển các chỉ số đo lường cụ thể yếu tố giới tính trong sự bất bình đẳng kỹ thuật số.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đề xuất một Hiệp ước Kỹ thuật số toàn cầu, trong đó nhấn mạnh về một không gian kỹ thuật số lấy con người làm trung tâm, bảo vệ quyền riêng tư cũng như sử dụng dữ liệu một cách an toàn, có trách nhiệm. Hiệp ước vạch ra các nguyên tắc chung cho một tương lai kỹ thuật số mở, tự do và an toàn cho tất cả mọi người. Với quyết tâm và nỗ lực của các quốc gia, hy vọng trong tương lại không xa, tình trạng "bất bình đẳng số" sẽ ngày càng được thu hẹp.
Trung Hiếu
Ấn Độ có khả năng trở thành nhà kiến tạo hòa bình trong xung đột Nga-Ukraine?
Nhiều nhà phân tích cho rằng, xung đột Nga – Ukraine đã khiến vai trò của Ấn Độ trở nên đáng chú ý bởi vị trí đặc biệt là bạn của cả phương Tây và Nga.
Châu Âu 'buồn lòng' về gói trợ cấp năng lượng xanh của Mỹ?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự định nhân chuyến công du tới Washington tuần này bày tỏ lo ngại của châu Âu về gói trợ cấp năng lượng xanh của chính quyền...
Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc: Mối lo ngại ngày càng tăng của Mỹ
Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ, Trung Quốc đã phát triển 400 đầu đạn hạt nhân và đang trên đường mở rộng kho vũ khí của mình lên 1.500 vũ khí vào giữa...
Mô hình xử lý rác thải thực phẩm của Hàn Quốc: Kinh nghiệm hữu ích cho các quốc gia
Hàn Quốc đã xử lý gần 100% chất thải thực phẩm bằng những cách thức đơn giản, hữu hiệu trong đó có việc huy động người dân tham gia vào quá trình phân loại và...
Nhà lãnh đạo của thuyết 'Ba đại diện' xây dựng CNXH ở Trung Quốc
Trong thông báo về sự ra đi của nguyên Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Tân Hoa xã nêu rõ ông là "lãnh đạo nổi bật...
Gia nhập NATO: Khe cửa hẹp với Ukraine
Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Bucharest (Romania) từ ngày...