Theo báo cáo Chỉ số chất thải thực phẩm của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố hôm 27/3, thế giới năm 2022 đã lãng phí 1,05 tỷ tấn thực phẩm, tương đương khoảng 20% số thực phẩm trên toàn cầu. Trong khi đó, 1/3 dân số thế giới đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói.
Trung bình một người lãng phí 79 kg thực phẩm mỗi năm
Theo thống kê, các hộ gia đình lãng phí 631 triệu tấn thực phẩm, tương đương 60% tổng số thực phẩm bị lãng phí. Lĩnh vực dịch vụ thực phẩm chiếm 28% lượng rác thải, ngành bán lẻ chiếm 12%. Ngoài ra, 13% lượng thực phẩm trên thế giới bị thất thoát khi trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy trung bình một người lãng phí 79 kg thực phẩm mỗi năm, nghĩa là ít nhất một tỷ bữa ăn bị lãng phí mỗi ngày bởi các hộ gia đình.
Nhưng ở một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Úc, Indonesia, Mexico và Nam Phi, rác thải thực phẩm đã giảm đáng kể kể từ năm 2007. Nhật Bản đã cắt giảm gần 1/3 lượng rác thải thực phẩm và Vương quốc Anh khoảng 18%.
Rác thải thực phẩm không chỉ lãng phí tài nguyên thiên nhiên mà còn là tác nhân lớn gây ra khủng hoảng khí hậu và sinh học. Chúng chiếm gần 10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và khiến động vật hoang dã phải chuyển sang chăn nuôi thâm canh, vì hơn 25% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới được dùng để sản xuất thực phẩm nhưng sau đó lại bị lãng phí.
Theo Giám đốc UNEP Inger Andersen, số liệu thống kê đáng kinh ngạc đặt ra câu hỏi về khả năng phân phối thực phẩm do thế giới sản xuất và nhấn mạnh tác động của rác thải thực phẩm đến biến đổi khí hậu.
“Lãng phí thực phẩm là thảm kịch toàn cầu. Hàng triệu người đang đói trong khi thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Vấn đề của rác thải thực phẩm không chỉ nằm ở đó mà nó còn gây ra những tổn thất đáng kể cho khí hậu và thiên nhiên”, ông Andersen cho biết.
Khiến biến đổi khí hậu trầm trọng hơn
Hầu hết các quốc gia không đưa vấn đề này vào đề xuất giảm lượng khí thải carbon. Chỉ có 21 nước đưa tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực vào kế hoạch khí hậu quốc gia, mặc dù thực tế là rác thải thực phẩm tạo ra 8 – 10% lượng khí thải làm nóng toàn cầu, cao hơn gần gấp 5 lần so với lượng khí thải từ ngành hàng không.
Thực phẩm cần nhiều tài nguyên để sản xuất, đòi hỏi lượng đất và nước khổng lồ. Hệ thống thực phẩm chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí thải làm nóng Trái đất.
Phần lớn rác thải thực phẩm được đưa đến bãi rác, tạo ra khí metan khi phân hủy. Là một loại khí nhà kính mạnh, khí metan có khả năng làm nóng lên gấp khoảng 80 lần so với carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên.
Theo báo cáo, lãng phí thực phẩm có thể khiến biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn. Các quốc gia có nhiệt độ nóng hơn được phát hiện là lãng phí nhiều thực phẩm hơn các quốc gia có nhiệt độ mát hơn.
Các hộ nghèo hơn có xu hướng vứt bỏ thực phẩm lớn hơn so với các hộ có thu nhập cao hơn. Điều này có thể do họ thiếu khả năng tiếp cận tủ lạnh hoặc kho bảo quản. Họ cũng phụ thuộc vào thực phẩm chất lượng thấp hơn và thiếu thời gian để chế biến những bữa ăn bổ dưỡng.
Bà Harriet Lamb, Giám đốc Chương trình Hành động về Chất thải và Tài nguyên (Wrap) của Vương quốc Anh, kêu gọi các nước hành động: “Chúng ta cần hành động phối hợp chặt chẽ hơn giữa các châu lục và chuỗi cung ứng. Dù là tổ chức từ thiện, doanh nghiệp hay chính phủ, các chủ thể đều phải tập hợp lại để giải quyết tác động to lớn của việc lãng phí thực phẩm đối với an ninh lương thực, khí hậu và kinh tế”.
Hoài Phương (theo Guardian, CNN)