Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu trong tháng 6 vừa qua đã vượt mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 6-2019 và cũng cao hơn 0,5oC so với giai đoạn 1991-2020. Các nhà khoa học của Copernicus nhấn mạnh, hiện tượng này được ghi nhận trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đã đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới. Copernicus công bố kết quả này sau khi tiến hành phân tích dựa trên hàng tỷ dữ liệu.

Báo cáo của Copernicus chỉ ra rằng, nhiệt độ trong tháng 6 năm nay ở khu vực Tây Âu và Bắc Âu đã đạt mức kỷ lục. Trong khi đó, nhiệt độ tại một số vùng của Mỹ, Canada, Mexico, miền Đông Australia và khu vực châu Á cũng “ấm hơn đáng kể” so với những tháng 6 trước đây. Tại Mexico, kể từ tháng 3 đến nay đã có ít nhất 112 người tử vong vì thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan cũng được ghi nhận ở một số quốc gia khác, điển hình là Mỹ, Trung Quốc và Tây Ban Nha.

 Một người dân ở Ciudad Juarez (Mexico) che ô đi bộ giữa trời nắng gắt, ngày 15-6. Ảnh: Reuters

“Đây là hồi chuông cảnh báo. Thật khó để tưởng tượng mùa hè của con cháu chúng ta trong 20 năm tới sẽ như thế nào. Đây chính xác là hiện tượng nóng lên toàn cầu”, nhà khoa học về khí hậu Jennifer Marlon nói với hãng tin CNN.

Theo AFP, biến đổi khí hậu và El Nino đang khiến thế giới nóng lên, dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn. Nhà khoa học Julien Nicolas giải thích rằng, thế giới chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 6 vừa qua chủ yếu là do nhiệt độ bề mặt Thái Bình Dương và Đại Tây Dương rất ấm, bắt nguồn từ El Nino. Nhà khoa học này cũng cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu được ghi nhận trong năm 2023 là 16,51oC, tức là cao hơn 0,53oC so với mức trung bình trong 30 năm qua, đồng thời khẳng định đây là diễn biến bất thường.

Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas mới đây cảnh báo, El Nino sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng các kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ và dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan ở nhiều nơi trên thế giới cũng như trong các đại dương. “Sự nóng lên của đại dương thậm chí đáng lo ngại hơn. Bởi vì, đại dương nóng lên cũng đồng nghĩa với mực nước biển sẽ dâng cao hơn và nhiều cộng đồng ven biển bị ngập lụt hơn”, nhà khoa học về khí hậu Marlon nhấn mạnh thêm.

Joeri Rogelj, giáo sư về khoa học khí hậu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) lại cho rằng, kỷ lục về nhiệt độ nói trên không có gì đáng ngạc nhiên và là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ đáng lo ngại. Khi hiện tượng El Nino tăng tiến trong những tháng tới, rất có thể nhiều kỷ lục nhiệt độ trên toàn cầu tiếp tục bị xô đổ.

Các nhà khoa học dự báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới. Gần đây, Liên hợp quốc cũng cảnh báo gần như chắc chắn, giai đoạn 2023-2027 sẽ là 5 năm nóng nhất trong lịch sử.

Trước tình hình này, Tổng thư ký WMO Taalas kêu gọi chính phủ các nước đưa ra những biện pháp chuẩn bị nhằm hạn chế các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan đối với sức khỏe con người, hệ sinh thái và nền kinh tế.

ANH VŨ