Hôm qua, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) công bố báo cáo cho thấy doanh thu bán vũ khí trên toàn cầu đã tăng 4,2% lên 632 tỉ USD trong năm 2023 so với năm trước đó.
Đây là con số tổng hợp từ 100 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Động lực đằng sau xu hướng này là do ảnh hưởng đến từ các cuộc xung đột ở Ukraine, Dải Gaza và căng thẳng leo thang ở châu Á, theo AFP dẫn báo cáo của SIPRI. Sau khi doanh số giảm vào năm 2022 do các nhà cung cấp vũ khí không kịp xoay xở để đáp ứng nhu cầu tăng cao của phía khách hàng, số liệu năm 2023 cho thấy nhiều nhà thầu đã tìm được cách gia tăng sản lượng trong năm ngoái. Và lần đầu tiên trong lịch sử toàn bộ 100 công ty có doanh thu vượt ngưỡng 1 tỉ USD.
Vũ khí phương Tây có chất nhưng thiếu lượng
“Doanh thu vũ khí đã tăng rõ rệt trong năm 2023 và xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2024”, AFP dẫn lời ông Lorenzo Scarazzato, nhà nghiên cứu thuộc chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI. Ông Scarazzato thêm rằng số liệu của nhóm tốp 100 công ty vẫn chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu trên thực tế của người mua, và nhiều công ty đang mở rộng việc tuyển dụng để đẩy mạnh dây chuyền sản xuất. SIPRI cũng cho hay những nhà thầu nhỏ hơn chứng tỏ hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới.
Trong số những nhà sản xuất hàng đầu, các công ty Mỹ ghi nhận doanh số bán tăng 2,5% và tiếp tục chiếm phân nửa doanh thu của cả năm, với 41 nhà sản xuất Mỹ nằm trong nhóm tốp 100. Điều đáng ghi nhận là số liệu của Nga, dù chưa đầy đủ, vẫn phản ánh nền kinh tế nước này tiếp tục chuyển sang xu hướng sản xuất thời chiến. Doanh số bán của hai tập đoàn Nga trên danh sách đã tăng 40%, chủ yếu nhờ vào số liệu ấn tượng của Tập đoàn Rostec. Về phần Trung Quốc, 9 công ty nước này đã thu về 103 tỉ USD trong năm ngoái, tăng vỏn vẹn 0,7%.
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-gioi-chi-nhieu-tien-hon-de-mua-vu-khi-nam-2023-185241202234549569.htm