GHI BÀN KHI ĐỐI PHƯƠNG CHƯA AI CHẠM BÓNG
Johan Neeskens là tiền vệ, là người nhận và chuyền bóng nhiều nhất trong đội hình Hà Lan. Quả bóng liên tục được luân chuyển qua chân Neeskens và đồng đội – nhiều thập niên trước khi khái niệm Tiki-taka ra đời ở Barcelona sau này. Ông cứ nhận, rồi lại chuyền tiếp, cho đến khi quả bóng được đặt vào chân người đồng đội nổi tiếng nhất, Johan Cruyff. Như một phản xạ tự nhiên, đối phương đành phạm lỗi để hòng chấm dứt pha tấn công như thôi miên. Phạt đền! Chính Neeskens bước lên sút bóng và hạ gục thủ môn nổi tiếng Sepp Maier của đội tuyển Đức.
Chúng ta đang nói về trận chung kết World Cup 1974. Đến tận bây giờ, Neeskens vẫn đang sở hữu kỷ lục là người ghi bàn sớm nhất trong một trận chung kết World Cup (phút thứ 2). Ông ghi bàn trong hoàn cảnh chưa có bất cứ cầu thủ nào trong đội hình Đức chạm được vào quả bóng. Cầu thủ Đức đầu tiên chạm bóng trong trận chung kết World Cup 1974 là Maier, khi vào lưới nhặt bóng ra.
Nói đến bóng đá Hà Lan là phải nói đến huyền thoại Johan Cruyff. Neeskens và Cruyff cùng nhau chinh phục mọi đối thủ trong nửa đầu thập niên 1970, trong màu áo Ajax Amsterdam và Hà Lan. Sau đó, Cruyff chuyển sang Barcelona. Rồi đội bóng nổi tiếng xứ Catalonya lại chiêu mộ Neeskens, trong thời kỳ mà mỗi CLB chỉ được thuê 2 cầu thủ nước ngoài. Họ lại tiếp tục sát cánh với nhau. Đấy cũng là nơi mà biệt danh “Johan đệ nhị” của Neeskens ra đời.
Vì một nguyên nhân bí ẩn nào đó, Cruyff không dự World Cup 1978. Có lúc người ta nói ông phản đối chế độ độc tài ở Argentina – nước chủ nhà của kỳ World Cup ấy. Cũng có khi người ta nói Cruyff bị stress. Neeskens thì vẫn khoác áo đội tuyển Hà Lan, và ông lại thất bại trong trận chung kết World Cup, lần thứ 2 liên tiếp (Hà Lan thua chủ nhà Argentina 1-3 sau 2 hiệp phụ. Trước đó, Hà Lan thua Đức 1-2 tại World Cup 1974). Trước khi thế hệ của Cruyff và Neeskens xuất hiện, Hà Lan gần như là “con số 0” trong làng bóng châu Âu, có lúc thua cả Luxembourg. Vào thời của họ, Hà Lan là cường quốc bóng đá, riêng Neeskens có 3 cúp C1; 2 danh hiệu á quân World Cup. Quan trọng hơn mọi danh hiệu, họ còn là hiện thân của thứ bóng đá nổi tiếng thế giới – bóng đá “tổng lực” trong những năm 1970.
KHÔNG CÓ NEESKENS, KHÓ CÓ “BÓNG ĐÁ TỔNG LỰC”
Phải thừa nhận rằng Cruyff nổi tiếng hơn Neeskens. Nguyên nhân chủ yếu: tuy thường xuyên sát cánh với nhau, nhưng họ lại ở hai thái cực về cá tính. Thầm lặng là đặc điểm lớn nhất của Neeskens, cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời.
Một chút ngoài lề: “tổng lực” là cách dịch chưa chính xác về “totaal voetbal” (tiếng Anh là total football) – thứ bóng đá khác biệt ở cách di chuyển và vai trò của từng cầu thủ. Cầu thủ Hà Lan thường thua về sức vóc và thể lực, nên họ mới phải nghĩ ra cách chơi sao cho đỡ tốn sức. Các cầu thủ thường xuyên hoán chuyển vị trí cho nhau. Muốn vậy, một người phải đá được nhiều vai trò. Neeskens đáp ứng yêu cầu này một cách tuyệt vời. Ông (xuất thân là hậu vệ cánh) có thể chơi hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo… HLV Rinus Michels yêu cầu thế nào Neeskens cũng đáp ứng được. Hễ đã ra sân là Neeskens chỉ chuyên tâm chơi bóng. Ông không nói, không “chỉ huy” đồng đội. Ông đá theo yêu cầu của HLV hơn là đá vì hào quang cá nhân. Tính đồng đội là đặc điểm lớn nhất trong cả sự nghiệp cầu thủ của Neeskens.
Đấy chính là một trong những xuất phát điểm. Không có Neeskens, khó có bóng đá tổng lực. Đấy cũng là lý do vì sao Hà Lan gần như đè bẹp đội Brazil nổi tiếng tại World Cup 1974 (Brazil là ĐKVĐ, vừa đoạt vĩnh viễn cúp Jules Rimet ngay trước đó). Tính đồng đội của Neeskens chính là “khắc tinh” của thứ bóng đá luôn thiên về hình ảnh ngôi sao cá nhân của Brazil. Huyền thoại Johan Cruyff bay bổng cũng phần nào nhờ đồng đội thầm lặng Neeskens làm nền tảng. t
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-gioi-bong-da-tien-biet-johan-de-nhi-185241008220554039.htm