GIA LAI Xuất phát từ niềm đam mê một nền nông nghiệp sạch, thầy giáo dạy văn Bùi Văn Dương đã thành công với sản phẩm chế phẩm sinh học hữu cơ phục vụ những vườn cây.
Đi tìm ý tưởng táo bạo
Lấy cùng lúc hai bằng đại học là sư phạm văn và cử nhân kinh tế, cả hai ngành học cứ như không hề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ấy vậy mà anh Bùi Văn Dương (37 tuổi, trú làng Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang thành công bên những vườn cây trái trong vùng.
“Ra trường, còn trẻ nên em được phân công về dạy trường cách xa nhà. Lương thấp, không đủ chi phí xăng xe nên em quyết định chia tay với nghề. Ban đầu cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao được!”, Dương chia sẻ.
Có mảnh vườn nhỏ, Dương quyết định đầu tư trồng cà phê như bao người dân trong vùng. Ban đầu, chế độ chăm sóc vườn cây cứ theo truyền thống như mọi người vẫn làm, chỉ chăm sóc bằng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Theo Dương thì thời gian đầu, cây có vẻ sinh trưởng và phát triển tốt. Đó cũng là thời điểm giá cà phê đang đạt đỉnh nên bà con tăng cường bón phân vô cơ. Nhưng một thời gian sau đó, do phải “ăn” quá nhiều hóa chất nên vườn cây bắt đầu đi xuống.
“Xác định gắn bó lâu dài với vườn cây nên tôi phải tìm cách cứu những vườn cà phê, sầu riêng đang bị ngộ độc, mà cách duy nhất là phải thay đổi thói quen canh tác, từ vô cơ chuyển sang hữu cơ”, anh Dương nói. Với sự đam mê một nền nông nghiệp bền vững, từ năm 2019, anh bắt đầu công việc tìm tòi học hỏi, nghiên cứu, từ đó quyết định xây dựng mô hình vườn cây “nói không” với hóa chất.
Hiện tại, anh Dương đã làm chủ được công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học để xuất ra sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh. Theo anh Dương, quá trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh không khó, thậm chí bất kể ai cũng có thể làm được. Vốn ban đầu cũng không cần nhiều, chỉ cần đủ để mua nguyên liệu như đạm cá, đạm đậu nành, đạm trứng, các dòng kali hữu cơ, lân hữu cơ… Sau đó ủ trong những chiếc thùng phuy lớn một thời gian nhất định là có thể đem ra sử dụng.
“Phân bón hữu cơ dạng này có thể bón, phun, tưới cho cây trồng, hoặc làm thức ăn cho cá. Với cây trồng, phân bón được cho vào hệ thống tưới tiết kiệm, từ đây nước đi đến đâu, phân bón theo đến đó, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức”, anh Dương cho biết.
Theo tính toán, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh dạng này tiết kiệm được từ 30 – 50% chi phí so với dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt ở những thời điểm giá phân bón hóa học lên cao sẽ tiết kiệm được nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh còn góp phần cải thiện môi trường đất, môi trường nước, tạo điều kiện phát triển các vi sinh vật có lợi, từ đó khống chế được bệnh trên những vườn cây… “Còn tác dụng trên vườn cây thì anh cứ đi thăm vườn, rồi sẽ thấy”, Dương nói.
Lan tỏa đến cộng đồng
“Khi đã thành công, tôi muốn nhân rộng mô hình đến với bà con trong vùng. Tuy nhiên cái khó là một lúc không thể thay đổi được tập quán canh tác truyền thống của bà con. Thậm chí ban đầu một số hộ áp dụng mô hình không chuẩn, dẫn đến hiệu quả không cao nên gây mất niềm tin cho bà con. Tuy nhiên bây giờ bà con đã áp dụng cách làm của mô hình rộng rãi”, anh Dương cho biết.
Hiện nay, phong trào sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh của anh Dương không còn xa lạ với bà con trong xã, thậm chí đã lan tỏa ra nhiều vùng trong huyện. Theo anh Dương thì khó thống kê được, nhưng có không dưới 1.000 hộ nông dân trong huyện đã thành công khi áp dụng công nghệ sản xuất và sử dụng dòng phân bón hữu cơ vi sinh này.
Anh Dương đưa tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Trường ở thôn 1, xã Ia Ka. Gia đình anh Trường có 2,5ha cà phê được trồng từ nhiều năm trước. Cũng như những vườn cà phê khác trong vùng, vườn của anh Trường sử dụng phân bón hóa học ngay từ đầu. Và rồi, vườn cây cũng dần xuống cấp do bị ngộ độc phân bón hóa học.
“Biết đến sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh của anh Dương đã từ lâu, quá trình theo dõi, tôi thấy hiệu quả rõ rệt nên cách đây 3 năm tôi chính thức áp dụng công nghệ này vào vườn cây của gia đình”, anh Trường cho biết.
Cũng theo anh Trường, sử dụng chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh giúp tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc, thân thiện với môi trường cho hiệu quả rất cao. Nếu sử dụng phân bón hóa học, mỗi năm phải 4 lần bón phân, 4 lần làm cành chồi. Trong khi sử dụng phân bón hữu cơ mỗi năm chỉ bón phân 5 lần (1 lần vào mùa khô và 4 lần vào mùa mưa) và chỉ làm cành chồi 2 lần mỗi năm, tiết kiệm được một nửa thời gian làm cành chồi.
Anh Trường giải thích thêm: “Bón phân hóa học thì phải bón vào mùa mưa, lúc này phân bón tan ngay, rễ sẽ hút lượng đạm rất nhiều khiến chồi nách ra nhanh. Vì vậy sau mỗi lần bón phân là phải làm cành chồi. Còn bón phân hữu cơ cây “ăn” phân và ra cành chậm, gần như ra cành nào là cành đó cho quả nên đỡ phải tốn công làm cành chồi mà năng suất không bị giảm, không có hiện tượng năm nay được mùa, năm sau mất mùa như khi sử dụng phân bón hóa học”.
Đưa chúng tôi ra vườn cà phê của gia đình, anh Trường giới thiệu vườn cây đang ngằn ngặt xanh ngay giữa cao điểm mùa khô Tây Nguyên: “Dùng phân bón hữu cơ giúp vườn cây xanh tốt quanh năm, không có hiện tượng mất cành, mất tán, do vậy năm nào cũng duy trì được năng suất và sản lượng. Đặc biệt quả cà phê to, mọng và đảm bảo sạch”.
Vòng về vườn sầu riêng của gia đình anh Dương, cây nào cũng chi chít quả. Ngoài cà phê, gia đình Dương còn có gần 500 cây sầu riêng, gần 500 cây nhãn hương chi, tất cả đều “quay lưng” với phân bón hóa học, tất cả đều được bón phân hữu cơ vi sinh. Mùa này sầu riêng đang ra quả non, ra nhiều đến mức phải lặt tỉa, bỏ bớt quả non để đảm bảo số lượng quả/cây và chất lượng quả.
Anh Dương chia sẻ: “Bây giờ bà con đã tự làm ra được các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh. Trong quá trình làm, chỗ nào chưa hiểu thì họ lại tìm đến em, tìm đến anh Thiện để hỏi, nhờ hỗ trợ”.
Anh Thiện mà Dương vừa nhắc đến là anh Nguyễn Văn Thiện ở thôn 1, xã Ia Ka. “Trong lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, anh Thiện là “sư phụ”, là người thầy đầu tiên của em đấy. Từ những kiến thức của anh Thiện truyền dạy, em đã mày mò học hỏi thêm để có được sản phẩm hoàn thiện như ngày hôm nay”, anh Dương trải lòng.
Từ những đam mê về một nền nông nghiệp sạch của một thầy giáo dạy văn, đến nay, những vườn cà phê, vườn cây ăn quả của xã Ia Ka, của huyện Chư Păh đang cho quả trĩu cành và rất thân thiện với môi trường. Gần như vườn cà phê, hồ tiêu hay vườn cây ăn quả nào cũng có những chiếc thùng phuy lớn, trong đó đựng các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh. Vườn nào diện tích nhỏ thì ít thùng, còn những vườn cây có nhiều thùng, nhiều can nhựa to thì đó là những vườn cây có diện tích lớn. Với nông dân ở đây, việc áp dụng công nghệ chế phẩm sinh học sản xuất ra phân bón hữu cơ đã là một phong trào.
Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết: “Huyện đã có chủ trương từ lâu về phát triển nông nghiệp hữu cơ thông qua các đề án phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, đã đưa ra các tiêu chí như truy xuất nguồn gốc, đảm bảo môi trường, tưới tiết kiệm, sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Với cây ăn trái, huyện khuyến khích bà con sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh thân thiện với môi trường, đảm bảo một nền nông nghiệp sạch”.