(QNO) – Mê dân ca bài chòi, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng (SN 1983, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết rèn luyện kỹ năng và truyền lửa niềm đam mê dân ca bài chòi cho nhiều thế hệ học trò.
Yêu làn điệu dân ca quê hương
Tốt nghiệp đại học sư phạm Đà Nẵng, thầy Thắng về công tác ở một ngôi trường cấp 3 thuộc huyện Tây Giang trong 6 năm. Năm 2018, thầy được chuyển về trường THPT Cao Bá Quát (Núi Thành) giảng dạy môn văn cho đến nay.
Thầy Thắng chia sẻ, sinh ra từ gia đình có truyền thống về thơ ca, nhạc họa nên từ nhỏ thầy đã đam mê văn nghệ. Những buổi chiều chăn trâu cùng người chú ruột của mình, thầy Thắng nghe say sưa những làn điệu dân ca quê hương và yêu những câu từ mộc mạc, gần gũi này.
Đến khi thi đậu đại học, ngành Ngữ văn, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thầy có cơ hội tiếp thu kiến thức văn học dân gian và dân ca các miền, thích nhất là các làn điệu dân ca bài chòi Quảng Nam. Thầy tham gia hội văn nghệ của khoa, từng viết và đạt giải nhất tác phẩm tân cổ về khoa văn.
Cũng từ khi về trường THPT Cao Bá Quát giảng dạy, thầy Thắng may mắn được địa phương chọn cử đi tập huấn về dân ca bài chòi do huyện và tỉnh tổ chức, được các nghệ sĩ truyền đạt khá nhiều kiến thức bổ ích về bộ môn dân ca này.
“Tôi yêu hát chèo, cải lương và nhất là bài chòi. Tôi lên mạng nghe các nghệ sĩ hát bài chòi, tập tành hát theo và quyết tâm học thật kỹ để nắm vững các làn điệu và kỹ năng trình diễn cho thuần thục” – thầy Thắng chia sẻ.
Ngoài thời gian dạy học ở trường, thầy Thắng còn tham gia các hội diễn bài chòi ở huyện và thành viên xuất sắc của CLB Câu lạc bộ bài chòi Núi Thành. Nhờ luôn trau dồi kỹ năng ca hát và có niềm đam mê sâu sắc mà thầy đạt nhiều giải cao từ cấp huyện đến tỉnh.
[VIDEO] – Thầy Thắng chia sẻ về việc lồng ghép dân ca vào giảng dạy:
Truyền lửa dân ca cho học trò
Trong khi giảng dạy, thầy Thắng luôn tìm cách lồng ghép bài chòi vào các tiết học văn. Để học sinh hiểu và yêu thích dân ca bài chòi, thầy thường dùng các làn điệu hò khoan như một thứ gia vị trong tiết học nên học sinh rất thích thú.
Thầy Thắng còn rất am hiểu nhạc lý của dân ca bài chòi từ đó viết lời phù hợp với môi trường học đường, lời ca trong sáng và có tính giáo dục. “Trong quá trình giảng dạy, tôi mượn bài chòi chuyển tải nội dung để các em hiểu sâu, nhớ lâu ý nghĩa của các câu ca dao trong văn học dân gian” – thầy Thắng kể.
Em Nguyễn Tấn Chí học sinh lớp 11/1 trường THPT Cao Bá Quát chia sẻ: “Khi vào lớp 10, em hiểu hơn về làn điệu dân ca bài chòi qua các tiết học văn của thầy Thắng. Tiết học văn của chúng em nhờ có bài chòi mà luôn vui vẻ, dễ tiếp thu. Chúng em cũng rất yêu thích làn điệu dân ca này”.
Thầy Nguyễn Gia Đạo – Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát cho biết, thầy Thắng giỏi về chuyên môn và đam mê bài chòi. Nhờ đam mê và sự miệt mài lan tỏa của thầy mà những giá trị văn hóa dân tộc như dân ca bài chòi được truyền đạt rộng rãi đến em học sinh thông qua những tiết học văn hóa địa phương, hoạt động ngoại khóa… một cách dễ dàng.