Xác định câu hỏi cần “đi sâu”
Thầy Lưu Huy Thưởng (Thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, qua đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp các năm gần đây, nội dung kiến thức của đề thi môn toán chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (khoảng 90%) bao gồm 7 chủ đề: (1) Hàm số; (2) Lũy thừa – Mũ – Lôgarit; (3) Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; (4) Số phức; (5) Khối đa diện; (6) Khối tròn xoay; (7) Hình học Oxyz. Nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 11, tập trung vào các chủ đề: Tổ hợp – Xác suất; Cấp số cộng – Cấp số nhân; Hình học không gian (góc và khoảng cách).
Đối với mỗi chủ đề (trừ nội dung kiến thức lớp 11) đều có các câu hỏi ở các mức độ “từ dễ đến khó”. Thang điểm mỗi câu là như nhau, dù dễ hay khó, đều là 0,2 điểm/câu. Vì vậy, để có thể làm tốt được bài thi tốt nghiệp, học sinh cần nắm chắc toàn bộ kiến thức nền tảng chương trình lớp 12 và một vài chủ đề của lớp 11.
Tùy thuộc năng lực, mục tiêu điểm số của mỗi người, chúng ta xác định “độ sâu” về kiến thức cần học đối với mỗi chủ đề. Ví dụ, với mục tiêu 8,5-9 điểm, trước tiên, bạn cần hoàn thành chính xác 38-40 câu đầu tiên (hầu hết là các câu cơ bản, trải rộng ở tất cả các chủ đề của chương trình lớp 12 và một phần lớp 11); 10 câu còn lại, các bạn có thể lựa chọn xem mình sẽ “đi sâu” vào dạng câu hỏi nào.
Những lỗi thí sinh hay mắc phải
Xác định sai yêu cầu, giả thiết của bài toán:
Sai khái niệm: thí sinh nhầm lẫn các khái niệm như “cực trị”, “điểm cực trị của hàm số”, “giá trị cực trị của hàm số”, “điểm cực trị của hàm số”. Sai lầm khi cho các loại hình sau là một: Hình lăng trụ tam giác đều với hình lăng trụ có đáy là tam giác đều hay hình chóp tứ giác đều với hình chóp có đáy là tứ giác đều, …
Tính toán sai, biến đổi sai, thiếu điều kiện:
Một số nguyên nhân dẫn đến sai lầm: Ở nhà phép tính nào cũng dùng máy tính nhưng khi đi thi lại tính nhẩm; với các bài cơ bản, ở nhà làm theo một cách, đi thi lại sáng tạo ra một cách mới.
Do đó lời khuyên của giáo viên này, với những câu cơ bản, các em không cần sáng tạo khi đi thi. Ôn tập như thế nào thì đi thi cứ làm như vậy. Có thể cách làm dài hơn một chút, mệt hơn một chút nhưng đó là cái quen thuộc, đã được luyện tập sẽ ít nhầm lẫn hơn.
Biến đổi sai công thức do thiếu điều kiện, đặc biệt là các công thức lôgarit.
Quên kiểm tra điều kiện khi kết luận: quên so sánh điều kiện khi kết luận nghiệm của phương trình, bất phương trình; quên kiểm tra yếu tố trùng nhau khi viết phương trình đường thẳng song song với một đường hay viết phương trình một mặt phẳng song song với một mặt,…
Điều chỉnh nhịp sinh học
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu, thầy Thưởng cho rằng, việc đầu tiên cần làm trong giai đoạn này là các em cần “điều chỉnh lại nhịp sinh học”.
Trong quá trình học tăng tốc, nhiều bạn học mải miết bị loạn nhịp sinh học. Ban đêm tỉnh như sáo, ban ngày uể oải, đầu óc không tỉnh táo. Do vậy, thí sinh cần điều chỉnh lại giờ sinh hoạt và giờ học tập.
Chiến thuật trong giai đoạn này là bảo toàn điểm số. Hãy chắc chắn rằng, những câu nào các bạn làm được thì chắc chắn phải đúng. Hãy ăn đủ chất, tập thể dục thường xuyên và ngủ ít nhất 6 tiếng một ngày để có một trí tuệ minh mẫn và đi thi vào đúng điểm rơi phong độ.
Thí sinh đã nỗ lực trong suốt những tháng ngày vừa qua, vậy nên tối trước những hôm thi, các em cần đi ngủ sớm.
Khi làm bài, các em hãy cứ bình tĩnh, làm từ dễ đến khó, làm từ quen đến lạ, tránh sa đà vào những câu hỏi lạ và khó. Tuyệt đối, làm theo đúng phương pháp đã ôn luyện với những câu cơ bản, quen thuộc. Toán là môn trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, dù không làm được cũng phải chọn hết đáp án của các câu hỏi.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/thay-giao-chi-loi-sai-khien-thi-sinh-de-mat-diem-thi-mon-toan-20240623000049094.htm