Với mong muốn tạo ra một cộng đồng kết nối giáo viên và học sinh yêu thích môn sinh trên cả nước, Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh (32 tuổi, quê ở tỉnh Phú Thọ) đã lập nên các fanpage trên Facebook để chia sẻ, lắng nghe và trao đổi kiến thức.
Khát khao đổi mới trong công tác dạy học
Hiện tại, thầy Khánh có 2 nhóm là: “Sinh học 4.0 – Ôn thi môn sinh cùng thầy Khánh” với gần 40.000 người theo dõi và “Sinh học 4.0 – Học sinh 6, 7, 8, 9 cùng thầy Khánh” có gần 30.000 người theo dõi.
“Thông qua các kênh này, mình muốn chia sẻ bài giảng, tài liệu và luyện chuyên đề cho học sinh. Tư vấn hướng nghiệp, đầu tư làm những nội dung bằng video, ảnh… để học sinh vừa học, vừa có yếu tố giái trí và truyền cảm hứng. Sự ủng hộ của đông đảo quý thầy cô, phụ huynh và học sinh là động lực để mình cố gắng”, thầy Khánh chia sẻ.
Thầy Khánh bắt đầu thành lập các nhóm chia sẻ kiến thức từ năm 2019 và phát triển mạnh nhất trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Ban đầu giáo viên này gặp một số khó khăn vì thiếu kiến thức về công nghệ, mạng xã hội. Đồng thời, việc biên soạn tài liệu cần rất nhiều thời gian để đảm bảo tính chính xác. “Mỗi ngày có hàng trăm lượt tin nhắn hỏi bài, xin tài liệu nên mình phải làm việc nhiều hơn bên cạnh giảng dạy trên lớp”, thầy Khánh cho biết.
Theo thầy Khánh, ở thời đại 4.0 sẽ áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vượt trội vào trong giáo dục. Trong đó, người học được giáo dục kiến thức và kỹ năng liên ngành như: quản trị, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, phản biện… điều khiển máy móc. Thầy Khánh cho biết giáo dục phát triển như một hệ sinh thái, nơi mà mọi yếu tố được liên kết với nhau thông qua không gian mạng và thiết bị kết nối thông minh. Vì vậy, quan hệ dạy và học được mở rộng không chỉ giữa giáo viên với học sinh mà còn với mọi người xung quanh…
Là một giáo viên trẻ, thầy Khánh luôn mong muốn không ngừng đổi mới, tiếp thu những kiến thức bên ngoài vào việc giảng dạy. “Trong thời đại 4.0 thì học sinh có đủ năng lực và phương tiện đa dạng để tiếp nhận thông tin. Dựa vào những phương tiện được kết nối mạng internet thì học sinh có thể tìm hiểu được nhiều thông tin. Giáo viên sẽ là người giúp học trò có khả năng hiểu ý nghĩa của thông tin, nhận biết đâu là tài liệu đúng đắn”, thầy Khánh nói.
Theo thầy Khánh, hiện tại vai trò của giáo viên đã thay đổi từ truyền đạt kiến thức sang là người kết nối. Và nhiệm vụ của người học cũng phải khác, thay vì chỉ tiếp thu, lắng nghe những gì giáo viên truyền đạt thì với giáo dục 4.0 học sinh phải có ý thức tự học cao. Nếu như truyền thống chủ yếu tham gia các chương trình giáo dục đã được xây dựng sẵn, có khuôn mẫu chung cho số đông và tiếp cận kiến thức một chiều thì trong thời đại này việc học tập, nghiên cứu buộc người học phải chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần. Và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân.
Thầy Khánh từng là thủ khoa đầu vào lớp 10 chuyên sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ). Sau đó đạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh học năm 2009, được tham dự đội tuyển vòng 2 dự thi Olympic quốc tế môn sinh học. Ngoài ra, thầy Khánh được đặc cách xét tuyển thi tốt nghiệp THPT năm 2009 và được tuyển thẳng vào lớp cử nhân tài năng sinh học, Khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi thì quay trở về công tác tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) từ tháng 8.2014 – 12.2022. Hiện tại, thầy Khánh đang là giáo viên dạy môn sinh học trong hệ thống giáo dục trực tuyến Mclass (TP.Hà Nội).
Giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu
Thầy Khánh nhấn mạnh công nghệ 4.0 trong giáo dục sẽ tạo ra bài giảng được số hóa và chia sẻ qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Meeting, Zoom… Đây dần trở thành xu hướng phát triển mới trong quá trình hội nhập, tiến gần hơn với mục tiêu xây dựng công dân toàn cầu, công dân số.
“Người thầy cần bước ra khỏi ranh giới của các lớp học, sách giáo khoa và khuôn mẫu nội dung giảng dạy. Việc làm này sẽ giúp cho học sinh có cơ hội sáng tạo, đổi mới. Học sinh không thể tiến bộ nếu chỉ biết và hài lòng với những kiến thức trong sách giáo khoa. Muốn vậy, người giáo viên phải là hình mẫu trong việc thường xuyên cập nhật kiến thức để đáp ứng được các yêu cầu mang tính thời đại”, thầy Khánh nói.
Thầy Khánh nói thêm: “Hãy là giáo viên toàn cầu để giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu. Giáo viên là người biết tôn trọng sự khác biệt giữa từng cá thể”.
Thầy Nguyễn Trung Hoạch, giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên tại Trường Phổ thông liên cấp Edison (TP.Hà Nội), cho biết: “Mình biết thầy Khánh đã được 7 năm vì vậy bản thân nhìn nhận đây là một giáo viên có chuyên môn rất cao. Mình thấy thầy Khánh mỗi lần lên lớp đều tràn đầy năng lượng, kỹ năng giảng dạy rất cuốn hút. Đồng nghiệp này luôn áp dụng các kiến thức thực tế trong cuộc sống vào từng bài dạy. Từ đó học sinh thấy môn sinh học rất gần gũi và yêu thích hơn. Trong cuộc sống thầy Khánh là một người đồng nghiệp hòa đồng, chân thành và tử tế”.
Thanhnien.vn