Chương trình GDPT 2006 được xem là nặng về kiến thức hàn lâm, thiếu phát triển kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. Kiến thức thiếu tính cập nhật thời đại, thiếu liên kết với thực tiễn khiến học sinh (HS) gặp khó khi áp dụng kiến thức vào cuộc sống và công việc sau này. Việc đặt nặng dạy và học kiến thức thuần túy gây áp lực thi cử, bên cạnh đó việc chú trọng đánh giá học sinh qua điểm số đã không thể đánh giá toàn diện năng lực HS, thầy cô dần mất định vị mình trong hành trình đổi mới và sáng tạo.
Phương pháp dạy học truyền thống làm cho thầy cô thiếu chủ động trong việc cập nhật công nghệ, do đó ứng dụng công nghệ trong dạy và học còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hiện đại.
Khi thầy cô thiếu sự chủ động sẽ kéo theo hệ lụy là HS thiếu tính chủ động trong cập nhật kỹ năng tin học, ngoại ngữ để đáp ứng xu hướng của thời đại. Đơn cử như ở bộ môn hóa học, Chương trình GDPT 2006 kéo dài gần 20 năm với việc kiến thức trình bày gói gọn trong một bộ sách giáo khoa (SGK). Khi SGK là pháp lệnh, đề kiểm tra đánh giá môn học cũng gói gọn trong kiến thức ấy. Sự ràng buộc trong nội dung quá nhỏ bé của SGK không thể nào phù hợp với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện tại luôn sống động từng giờ, từng phút.
Bất cập này đã dẫn đến việc trong đề thi xuất hiện những dạng bài tập hóa học phi thực tế, đề có câu khó, câu vận dụng cao. Nhằm phân loại HS giỏi, lại có những kiểu bài tự chế số liệu kèm những phép tính toán mẹo, những bài toán đốt cháy vô nghĩa nhưng thực tế không đúng với khoa học, sai bản chất hóa học và không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm hóa học.
Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đúng nghĩa, mỗi thầy cô phải định vị lại mình sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Từ mục tiêu đánh giá của chương trình, mỗi giáo viên có nhiệm vụ đánh giá HS theo xu hướng mới, với mục đích giúp HS có động lực phát triển bản thân. Quá trình đánh giá không phải để phân loại, xếp hạng người học, không phải so sánh mà nhằm chỉ ra cho các em những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần rèn luyện để trưởng thành.
Giáo viên cũng cần phải học tập không ngừng, sáng tạo trong nhiều hoạt động dạy học để trở thành một người thầy hiện đại cùng HS tiệm cận được với nền giáo dục tiên tiến và hội nhập quốc tế.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuong-trinh-giao-duc-moi-thay-doi-truoc-het-tu-nguoi-thay-185240724202847924.htm