Trường học hạnh phúc: Tương lai của chúng ta Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới. Trong sự đổi mới đó thì việc xây dựng những “Ngôi trường hạnh phúc” được cho là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục. Trước đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng nhấn mạnh quan điểm: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Điều đáng mừng là bên cạnh những mảng tối của giáo dục trong năm 2023 như vấn nạn bạo lực học đường, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan khiến những ai quan tâm đến giáo dục có cảm giác bất an thậm chí bất lực, thì đâu đó, vẫn có những ngôi trường, những người thầy, người cô đang nỗ lực tạo dựng cho được môi trường giáo dục hạnh phúc cho các học sinh của mình. Báo Nhà báo & Công luận số Tết Dương lịch 2024 xin được giới thiệu một vài trong số những nỗ lực tạo dựng “trường học hạnh phúc”, những mô hình thiết nghĩ nên được đúc kết và nhân rộng, bởi chúng không chỉ chữa lành những hoang mang mà còn mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho giáo dục nước nhà. |
10 năm cho một lối đi
Tâm sự với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, thầy Nguyễn Văn Hòa – Hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm kể: Năm 1993 khi thành lập hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ông đã sai lầm khi cho rằng, trường học chân chính là trường học đào tạo ra nhiều học sinh giỏi, thành công của giáo dục là đào tạo nên những học sinh giỏi, những nhân tài. Ở thời điểm đó, đại đa số phụ huynh đều mong con họ học giỏi. Nhiều người sẵn sàng cho con đòn roi, tạo áp lực thậm chí dùng những lời chửi mắng thậm tệ vì con không học giỏi như bố mẹ mường tượng.
Ở trường, các giáo viên lại nuôi dưỡng ước mơ đào tạo được nhiều học sinh giỏi, ước mơ mình trở thành giáo viên giỏi, mình nổi tiếng vì có nhiều học sinh đạt nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia. “Áp lực, bạo lực học đường từ đó sinh ra. Ép học trò học, coi trò nào cũng có thể giỏi được hết, nếu không được thì chỉ vì lười và dốt. Chúng bị ăn đòn, ăn mắng, chịu sỉ nhục cũng chỉ vì những mong muốn trên” – thầy Hòa kể.
Không có học sinh hư, thầy cô phải có niềm tin vào học trò TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm, không có có học sinh hư. Thầy, cô giáo, nhà trường phải có niềm tin vào học trò. Xây dựng Trường học hạnh phúc phải vì sự tiến bộ của con người, sự phát triển của bản thân thầy, cô giáo, học trò; mà ở đó hiệu trưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng. |
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là trường tư thục, ngay một hiệu trưởng như thầy Hòa cũng mang trong mình mong muốn được tuyển sinh nhiều học sinh và tuyển được nhiều học sinh chất lượng. Ông từng tham vọng xây dựng trường của mình theo hình mẫu của trường công, chỉ như thế mới khiến phụ huynh yên tâm để gửi con em. Phải mất 10 năm như vậy, ngôi trường tư thục này loay hoay tìm cho mình một lối đi nhưng kết quả lại không như mong muốn.
“Học và làm được theo cách dạy học, quản lý của trường công nhưng không ổn. Có quá nhiều vấn đề nảy sinh như vấn đề an toàn trường học, bạo lực học đường. Việc tổ chức đi học cả ngày càng thêm rắc rối. Trong khi, học sinh trường tư đầu vào “dưới chuẩn”. Các em lười học, ham chơi, nghịch ngợm, gây gổ, kéo bè kéo cánh đánh nhau rồi yêu đương… Thầy cô giáo phải đánh vật với học sinh từ sáng đến tối, nhất là trong lớp có nhiều “học sinh cá biệt”. Các thầy cô căng thẳng, nhiều thầy cô không trụ được phải bỏ trường, bỏ nghề” – thầy Hòa thổ lộ.
Mọi người đã cố gắng hết mình nhưng hằng ngày vị hiệu trưởng này đã phải chứng kiến bao cảnh học sinh “quậy phá”, không chịu học hành, đánh nhau, cãi nhau, chửi nhau với cô giáo. Cô giáo bị xúc phạm, kiện thầy hiệu trưởng, đòi trả lại danh dự, xin nghỉ việc. Thầy hiệu trưởng bị cha mẹ học sinh kiện, thành “tội đồ” trước những kỳ vọng về con cái của cha mẹ học sinh. Trong mớ bòng bong đó, thầy Hòa đã từng nhiều lần phải thốt lên “đời hiệu trưởng sao khổ thế!”.
Việc đối phó với áp lực từ phụ huynh mong con đến trường được giỏi giang, thành tài, nhà trường, thầy cô đã thi hành biện pháp với quá nhiều qui chế, qui định ngặt nghèo, kỷ luật hà khắc vì chạy theo quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Trẻ đến trường chịu áp lực, chán chường, phá bĩnh. “Tôi phải hằng ngày xử lý trực tiếp các tình huống khó khăn. Tôi nhanh chóng bạc trắng đầu” – thầy Hòa thổ lộ.
Đến nỗ lực “làm cho các con vui vẻ, yêu trường, yêu thầy cô”
Đứng trước quá nhiều vấn đề đặt ra tưởng như không lối thoát, thầy Hòa bắt đầu nhận ra những hạn chế trong cách tiếp cận giáo dục của nhà trường nên ông bắt đầu thay đổi.
Ông đã thuyết phục các thầy cô giáo không kêu ca, chê bai học sinh, không nhìn học trò theo điểm số, không tạo áp lực hơn nữa cho học trò mà vui vẻ, tự tạo ra bầu không khí thân thiện, yêu thương trong nhà trường và mỗi lớp học.
Ông đã động viên các thầy cô phải làm sao cho mỗi học trò, bất kể thế nào phải tiến bộ hơn so với chính các em, làm sao để cha mẹ học sinh hài lòng, tin tưởng.“Tôi an ủi mình và các thầy cô, học trò của mình có thế thôi, trường mình hiện thời cũng chỉ được thế thôi. Không nên tự giày vò mình, vấn đề là phải làm cho các con vui vẻ, yêu trường, yêu thầy cô, có niềm vui đến trường thì học hành mới tiến bộ” – thầy Nguyễn Văn Hòa kể.
Dần dần các thầy cô trong nhà trường đều nhận ra, học tập chỉ là một trong rất nhiều năng lực của con người. Có thể học kém – bây giờ gọi là “có khó khăn trong học tập bộ môn…” nhưng không có đứa trẻ nào là yếu kém. Các em học sinh còn ẩn chứa nhiều năng lực khác nữa, đó là những mỏ vàng tiềm ẩn trong mỗi em mà giáo dục chưa khám phá. Người thầy, nhà trường cần làm sao cho học sinh phát lộ và phát huy được năng lực đó để các em trở thành điểm sáng. Điều này chính là nhiệm vụ của thầy cô, sứ mệnh của nhà giáo.
Cũng từ đó, tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn ép học trò học. Trái lại thầy cô yêu thương trẻ, hiểu mỗi học sinh của mình, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của các em, tạo cảm hứng thú học tập, kiên trì, từng ngày, từng tháng. Ai cũng hiểu, mình dạy trẻ vì chính bản thân chúng, làm cho chúng tiến bộ. Mỗi thầy cô đều cố gắng giúp học sinh hiểu được việc học tập không còn là “nỗi khiếp sợ”, không còn là “cực hình”, nhìn thầy cô không như nhìn thấy “nỗi kinh hoàng”, trái lại chỉ thấy vui, trẻ sẽ chịu học, học được điều mới lạ, chúng thích học. Thế rồi, học sinh nhà trường đã dần tiến bộ lên.
Trong Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thầy cô không còn nhìn trẻ với con mắt “phân loại học sinh, yếu kém, trung bình, cá biệt” nữa. Do đó, vẫn thầy cô ấy, vẫn những đứa trẻ ấy nhưng giờ thầy cô lại thấy chúng đáng yêu và sẵn sàng dành tình yêu thương, sự chăm lo cho chúng. Khởi điểm cho sự thay đổi trong nhà trường chính là mong muốn, “dạy học sinh nên người”.
Chỉ đơn giản làm sao cho học sinh hằng ngày đến trường đi học, không lêu lổng, bụi đời, không thành kẻ bất lương. Việc học tập thì tùy theo từng trò, học được đến đâu tốt đến đấy, không ép trò nào cũng phải giỏi. Cứ như thế, kiên trì, từng ngày học sinh đã tiến bộ, các em thích đến trường, chịu khó học tập hơn, tiến bộ hơn. Đến lúc, học sinh của nhà trường đầu vào rất thấp nhưng có kết quả sánh ngang với các trường công có tiếng khác…
Thầy Hòa nhấn mạnh: “Trường học hạnh phúc là tương lai của chúng ta, Thật may mắn, thực tế ấy làm chúng tôi nhận ra mục tiêu thực sự của giáo dục. Chúng tôi ngộ ra rằng mục tiêu giáo dục của nhà trường, trước hết phải là “vì sự tiến bộ và phát triển của mỗi đứa trẻ” chứ không phải điểm số và thành tích. Phương châm giáo dục “Chăm lo đến từng học sinh, giúp mỗi trò đều tiến bộ” của trường tôi ra đời ngay từ những lúc khó khăn nhất ban đầu ấy”.
Từ những thành công bước đầu của ngôi trường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, khái niệm trường học hạnh phúc đã được ghi nhận và cũng từ đó xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình tốt đã làm thay đổi bộ mặt giáo dục tại nhiều địa phương.
Trinh Phúc