Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), từng cho rằng cần phải định nghĩa lại khái niệm "học sinh giỏi, chăm, ngoan". Quả thật, đã đến lúc chúng ta cần cởi trói chính mình ra khỏi những quan niệm xưa cũ, ràng buộc.
Đâu chỉ giỏi các môn học văn hóa mới là giỏi
Lâu nay, quan điểm giáo dục đặt nặng thành tích các môn văn hóa khiến năng lực của một học sinh bị đóng khung bởi kết quả môn toán, lý, hóa, sinh, văn, ngoại ngữ, sử, địa… Do đó mọi người nhìn thấy một học sinh "cày cuốc" suốt ngày thâu đêm với sách vở, kiến thức, bài tập mới cho là chăm chỉ, là cần cù, là chịu khó… Lâu nay, chúng ta vẫn mặc định con ngoan, trò ngoan là đứa trẻ nhất nhất vâng lời cha mẹ và thầy cô, chẳng lắm ý nhiều lời mỗi khi tranh biện với người lớn…
"Giỏi", "chăm", "ngoan" – 3 tiêu chí định hình cách nuôi dạy con cái thành công, phương pháp giáo dục học trò thành công đã in hằn thành nếp nghĩ, nếp nhà, nếp dạy trong gia đình Việt và nhà trường Việt. Nhưng thử nhìn nhận vào một số tình huống sau đây để thấy rằng khái niệm giỏi giang, chăm chỉ và ngoan ngoãn đã xê dịch ít nhiều.
Một cuộc thi xây dựng clip giới thiệu sách được phát động đòi hỏi học sinh lớp 6 cùng giáo viên chủ nhiệm miệt mài thực hiện. Chọn sách hay, viết lời giới thiệu, luyện giọng kể truyền cảm đều đã xong xuôi. Còn khâu ghi hình, cắt dán và dựng clip có lẽ sẽ phải nhờ sự viện trợ của giáo viên tin học.
Thế rồi, một học sinh giơ tay xung phong nhận nhiệm vụ dựng clip. Con học bình thường trong tập thể lớp nhưng sự nhanh nhạy với công nghệ của con khiến cô giáo cùng các bạn phải xuýt xoa chẳng ngớt. Phần mềm này lồng nhạc, phần mềm khác cắt phim, ảnh động, ảnh tĩnh, cảnh phim nhanh, cảnh phim chậm hiện hình dưới bàn tay khéo léo, ánh mắt say mê của con trẻ. "Con bé giỏi thật!", nhiều giáo viên đã bật thốt khi xem clip con dựng, dẫu thành tích học hành của con không hề nổi bật.
Thế nào là "chăm" và "ngoan"?
Một nam sinh lớp 9 thường xuyên đi trễ tiết học đầu buổi sáng. Kết quả học kỳ 1 của học sinh này khá tốt nhưng khi đánh giá về hạnh kiểm, một số giáo viên bộ môn không đồng ý với dự định xếp loại tốt của trò bởi hành vi trễ học lặp lại thường xuyên.
Khi cô giáo chủ nhiệm trò chuyện để tìm hiểu câu chuyện nhiều lần mới tường tận lý do trò đi trễ. Gia đình cậu học sinh ấy khá khó khăn, người mẹ bán đậu khuôn phải đi chợ sớm. Hôm nào người bố say xỉn không đưa vợ đi chợ được, con phải đèo mẹ bằng xe đạp ra chợ rồi quay về đi học nên trễ học. Tất nhiên là sau khi biết rõ lý do và thấu hiểu với cảnh nhà của trò, chẳng ai nỡ "dí" trò vào mức hạnh kiểm thấp. Thế nhưng học sinh này lại dõng dạc nhận mức hạnh kiểm ban đầu và kiên định trước lời khuyên nhủ của giáo viên về thành tích năm cuối cấp.
Thay đổi khái niệm cũ trong bức tranh giáo dục mới
Hai câu chuyện là hai lát cắt nhỏ về bức tranh giáo dục hiện nay. Thế nào là "giỏi"? Khi một đứa trẻ không giải được bài toán hóc búa và chẳng viết văn mượt mà nhưng nhanh nhạy tiếp cận công nghệ, ý thức được trách nhiệm với tập thể và xung phong nhận nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ với thái độ khiêm tốn, tôi vẫn đánh giá là trẻ giỏi.
Thế nào là "chăm" và "ngoan"? Khi một bạn nhỏ ý thức được gia cảnh khốn khó, đỡ đần phụ huynh với lòng hiếu thảo, dẫu có sơ suất trong nền nếp và đôi lúc kiên định nhận phần thua thiệt lẽ nào chúng ta vội vàng đánh giá trẻ không chăm và chưa ngoan?!
Khái niệm "học sinh giỏi, chăm, ngoan" cần thiết phải thay đổi trong bức tranh giáo dục hiện đại.
Chúng ta cũng hãy nhìn nhận thẳng thắn vào điểm yếu của nhiều học sinh, sinh viên hiện nay đó là sự nhút nhát, rụt rè trong giao tiếp và lười phản biện, ngại đặt câu hỏi trong mọi vấn đề cần quan tâm.
Lối mòn cào bằng cá tính người học đã tồn tại khá lâu trong nhà trường phổ thông. Cái khuôn chung về chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt buộc tất cả mọi đứa trẻ phải giải được bài toán khó nhằn nọ theo mẫu, viết cảm nhận về vẻ đẹp của áng văn kia thật hay… đã phủ lấp tư duy tôn trọng cá tính người học. Đồng thời, căn bệnh thành tích cũng manh nha từ đây, cuộc đua điểm số và danh hiệu gây bao hệ lụy đáng tiếc.
Lối mòn học thụ động, ngại phản biện khiến bao học sinh lớn lên ngoan ngoãn cực kỳ, vâng lời tuyệt đối. Cái "tôi" cá nhân bị đồng hóa với cái "ta" tập thể. Chúng ta mong nuôi những đứa con ngoan, mơ dạy tập thể lớp ngoan để đỡ nhọc công, phiền lòng. Nhưng ngoan đến mức dẫn đến những hiện tượng cá biệt đau lòng như từng xảy ra: cô giáo bắt 23 học sinh trong lớp tát bạn mà không cháu nào làm trái lời cô hoặc là cô giáo lên lớp suốt nhiều tháng không giảng bài và mọi việc chỉ vỡ lở khi có cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố… thì chẳng ai muốn.
Source link
Bình luận (0)