Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.210 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 901 người sử dụng ma túy. Trong đó, 717 người nghiện heroin, 256 người nghiện ma túy tổng hợp, 237 người nghiện các loại ma túy khác. Toàn tỉnh đã tổ chức điều trị, cai nghiện ma túy cho 1.075 người nghiện ma túy. Tuy nhiên, để công tác cai nghiện đạt được hiệu quả bền vững, thiết nghĩ vẫn còn nhiều việc phải làm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 299 người nghiện ma túy, trong đó có 272 người cai nghiện bắt buộc, 27 người cai nghiện tự nguyện (tại cơ sở cai nghiện công lập là 22 người, tại cơ sở cai nghiện tư nhân là 5 người).
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh kịp thời gửi thông báo về UBND các xã, phường, thị trấn có người cai nghiện ma túy hoàn thành xong thời gian cai nghiện tại đơn vị để phối hợp thực hiện công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy.
Phường Trung Sơn (thành phố Tam Điệp) có 15 người nghiện, 9 người sử dụng trái phép chất ma túy và 3 người sau cai nghiện ma túy được lập hồ sơ quản lý; 3 người nghiện ma túy được đưa đi cai nghiện bắt buộc. So với năm 2022, cả số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ngoài xã hội trên địa bàn đều giảm.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND phường Trung Sơn, vấn đề quản lý người sau cai nghiện vẫn gặp không ít khó khăn. Người nghiện ma túy không thường xuyên ở nơi cư trú, tự ý bỏ đi nơi khác hoặc đi làm ăn xa nhưng không báo cáo với chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp khi được khảo sát, rà soát không có nhu cầu học nghề, nhu cầu vay vốn nên khó khăn cho địa phương trong việc kiến nghị, tham mưu triển khai chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy. Trong khi đó, không có việc làm ổn định là nguyên nhân để người sau cai rất dễ tái nghiện trở lại.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là nơi thực hiện cai nghiện bắt buộc cho các đối tượng nghiện ma túy, nhưng không có chức năng quản lý sau cai. Theo thống kê của đơn vị, kể từ khi được thành lập vào năm 1993 tới nay, Cơ sở đã tiếp nhận, quản lý trên 4.000 người nghiện ma túy, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho trên 3.500 đối tượng. Mặc dù chưa có khảo sát cụ thể nhưng thực tiễn cho thấy, những đối tượng trở lại Cơ sở cai nghiện từ lần thứ 2 trở lên là rất nhiều. Điều này cho thấy tỷ lệ tái nghiện vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu vẫn là do người sau cai nghiện khó tìm được việc làm để hòa nhập với cộng đồng.
Anh B., quê ở huyện Hoa Lư là một trong số những người có trên 2 lần thực hiện cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Nguyên nhân tái nghiện của B. đó là không có việc làm. “Trước đây, vì đi làm ăn xa mà theo bạn bè xấu vướng vào ma túy. Bao lần cai rồi lại tái nghiện cũng bởi vì B không tìm được việc làm.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất vẫn còn dè dặt, ngại nhận lao động là người có tiền sử nghiện ma túy. Thậm chí, chính người thân trong gia đình cũng cảnh giác khi sống cùng những người sau cai. Không có việc làm, thiếu cái nhìn thiện cảm của người thân, cộng đồng, tôi lại phải đi làm ăn xa, lại sa ngã. Lần cai này tôi được dạy nghề may mặc. Khi được trở về hòa nhập cộng đồng, tôi hi vọng có thể tự tạo việc làm cho mình để có thu nhập, ổn định cuộc sống…”- anh B. chia sẻ.
Qua tìm hiểu cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến người sau cai nghiện khó tìm được việc làm. Theo đó, trở ngại đầu tiên và lớn nhất đó là do trình độ văn hóa của những người cai nghiện còn thấp, họ khó tiếp thu được nghề, do vậy khó tìm việc sau khi cai nghiện. Hiện, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đang quản lý trên 233 học viên. Trong đó, trên 70% chỉ có trình độ văn hóa từ THCS trở xuống. Số không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định chiếm trên 90%.
Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực trong việc cai nghiện, phục hồi sức khỏe, Cơ sở còn đặc biệt quan tâm đến công tác dạy văn hóa, tổ chức các lớp xóa mù chữ cho học viên. 100% học viên tiếp nhận vào Cơ sở, sau khi cắt cơn, sức khỏe ổn định được tham gia lao động, trị liệu. Cơ sở cai nghiện đã liên kết với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo vừa học, vừa lao động trị liệu các nghề như: Làm đá mỹ nghệ, làm mi giả, đan bèo bồng, hàn bóng nháy, gấp túi giấy, nghề may, hàn xì, xây dựng… Cơ sở cũng tận dụng khai thác quỹ đất để thực hiện chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp một phần thực phẩm nhằm cải thiện đời sống cho học viên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những việc làm mang ý nghĩa trị liệu cho người cai nghiện, chứ không thể giúp học viên tìm được việc làm với thu nhập ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Lê Tiến Đạt, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết: Bên cạnh việc khó tìm việc làm để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng thì người sau cai còn đối diện với sự kì thị và cái nhìn thiếu thiện cảm của chính gia đình và cộng đồng. Thực tế cho thấy, người sau cai thường có tâm lý buồn bã, chán nản, thậm chí là không có phương hướng khi tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, nếu không có sự động viên, chăm sóc, yêu thương của người thân giúp họ vượt qua những cơn khủng hoảng tâm lý họ sẽ rất dễ buông trôi, bất cần và nhanh chóng trở lại với… ma túy.
Để hạn chế tình trạng tái nghiện, thiết nghĩ các gia đình cần quan tâm hơn nữa để cổ vũ nghị lực vươn lên của các đối tượng sau cai. Ngoài ra, các địa phương cũng cần thành lập nhiều mô hình quản lý người sau cai nghiện phù hợp với tình hình địa phương từ đó sẽ là cầu nối để người sau cai trở về với gia đình. Việc ra đời các mô hình sẽ giúp người sau cai có điểm sinh hoạt, là nơi bày tỏ nguyện vọng trong quá trình làm lại cuộc đời. Qua đây, cán bộ quản lý, người thân nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư của họ để có sự giúp đỡ phù hợp, hiệu quả.
Đào Hằng-Minh Quang