Miễn học phí cho con giáo viên: “Đề xuất tốt nhưng nghề giáo không nên có đặc quyền”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/10 họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật nhà giáo. Bộ GDĐT – cơ quan chủ trì soạn thảo, đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện, cả nước có hơn 1,05 triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ 1/7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Đề xuất chi 9.200 tỷ đồng miễn học phí cho con giáo viên đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng thầy cô giáo.
Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên dạy Lịch sử tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga, Thanh Hóa, nêu ý kiến: “Dự thảo Luật nhà giáo đề xuất miễn học phí cho con em giáo viên từ bậc mầm non đến đại học là một đề xuất ý nghĩa, nhân văn và thể hiện sự quan tâm sâu sắc của xã hội đến nhà giáo.
Tuy nhiên, nghề giáo không nên có đặc quyền, đặc lợi mà hãy bình đẳng như các nghề khác, không nên đưa quy định này thành thực tế. Nếu có hãy nêu quy định “miễn học phí cho con nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn”.
Ngân sách nhà nước nên ưu tiên miễn giảm học phí cho con em các dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em mồ côi, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật… rồi sau đó có thể mở rộng dần đối tượng miễn giảm học phí. Làm sao để toàn dân được đi học mà không phải đóng học phí, học phí càng thấp càng tốt chứ không phải miễn cho đối tượng này đối tượng khác nữa.
Là một giáo viên và có các con đang bắt đầu đi học, tôi không đồng tình với đề xuất trên dù đó là một đề xuất rất tốt. Nếu miễn học phí nên để dành tiền đó tăng lương cho giáo viên”.
Đề xuất miễn học phí và phát sách giáo khoa miễn phí
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương, từng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Lịch sử, có 8 năm du học và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản, nêu ý kiến: “Tôi không tán thành đề xuất này dù nếu được thông qua nhà tôi được hưởng lợi vì các con tôi là con của giáo viên.
Nghề nào lương thiện cũng có giá trị và sứ mệnh riêng. Giáo viên là một nghề như bao nhiêu nghề khác. Cái cần nhất đối với giáo viên là lương tốt, ổn định đủ để sống mức sống trung bình và một môi trường làm việc an toàn, dân chủ, nâng đỡ sự sáng tạo.
Ngoài ra xét về mặt kỹ thuật khi xét miễn học phí cho con giáo viên sẽ có nhiều chuyện nhạy cảm rắc rối. Ví dụ: Miễn học phí cho con giáo viên vậy thế nào là “giáo viên”, có phân biệt giáo viên hợp đồng ngắn hạn, dài hạn, giáo viên biên chế, giáo viên trường công, giáo viên trường tư, giáo viên độc lập không?
Đối với bậc tiểu học, THCS là giáo dục nghĩa vụ thì theo đúng tinh thần luật giáo dục đã là miễn học phí rồi thì đề nghị trên có phải là… thừa không?
Trên thực tế “học phí” chỉ là một phần chi phí trong tổng thể chi phí phụ huynh phải chi khi có con học phổ thông, nhất là ở trường công. Liệu có xảy ra tình trạng “tên lửa đẩy thì 10kg giảm xuống 5 hoặc 0kg nhưng các bình ắc quy khởi động tên lửa thì tăng thêm 20-25kg không?”.
Khi giáo viên nghỉ việc, bị kỷ luật, chuyển đổi công tác giữa chừng thì học phí có còn được miễn không, thủ tục thế nào…? Vô vàn vấn đề khác cần xem xét.
Theo tôi, giải pháp hay nhất, hợp lòng dân lúc này là miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ Tiểu học đến THPT (Nếu học sinh học trường tư thì được trả số tiền đúng bằng số tiền đã miễn khi học trường công).
Nhà nước mua và cấp phát sách giáo khoa miễn phí cho học sinh phổ thông từ lớp 1-12 (dựa trên việc lựa chọn sách của các trường)”.
Cô Lê Hồng Hạnh, một giáo viên Tiểu học ở Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy vui vì được Đảng, Nhà nước quan tâm đến giáo viên và đây là nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục cống hiến với nghề. Tuy nhiên, nghề giáo cũng như bao nghề khác trong xã hội, cũng đi làm để kiếm tiền nuôi bản thân và nuôi gia đình. Nghề nào cũng cần cống hiến và đam mê. Giáo viên không đi dạy miễn phí, công việc không mang tính đặc biệt nên không có lý do gì lại ưu tiên con cái được miễn học phí.
Nói thật, nếu con tôi được miễn học phí phí, còn các bạn trong lớp mất phí tôi cũng ko thấy vui và tự hào gì. Trong khi đó, nhiều gia đình khác còn hoàn cảnh khó khăn hơn, nghèo khổ, vất vả hơn nghề giáo chúng tôi rất nhiều lần. Có khi con tôi còn tự thấy mình tách biệt ra khỏi các bạn nếu nhận chính sách này. Tôi đồng ý miễn học phí cho con giáo viên, nhưng là giáo viên ở vùng cao, vùng khó khăn. Chúng tôi ở thành phố vẫn đủ sức nuôi được các con mà không cần đặc quyền nào”.
Nhận định chính sách miễn học phí cho con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp của nhà giáo trong dự thảo Luật là chính sách nhân văn, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định này khó áp dụng cho cơ sở giáo dục tư thục và thậm chí trong cả cơ sở giáo dục công lập. Chính vì vậy, cần quy định chính sách theo hướng cho đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội ý kiến: Không nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Ưu đãi, chính sách đặc thù thì được nhưng quy định “đặc quyền, đặc lợi” là không nên.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, dự thảo Luật cần được hoàn thiện theo hướng đánh giá tác động tới đâu thì quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh tới đó, đưa Luật thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Dẫn số liệu từ Báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ để thực hiện chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên cần khoảng hơn 9.200 tỷ đồng/năm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nguồn lực này là tương đối lớn.
“Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm? Các đồng chí phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nguồn: https://danviet.vn/tranh-cai-de-xuat-mien-hoc-phi-cho-con-giao-vien-thay-co-tu-choi-nhan-va-co-mong-muon-khac-20241009163441509.htm