Liên quan vụ nam sinh thân mật với giáo viên ngay trên bục giảng, ông Nguyễn Quang Tuấn – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – cho biết cô giáo là người hòa đồng, thân mật với học sinh nhưng do cô còn trẻ nên thiếu kinh nghiệm quản lý lớp học, xử lý các tình huống xảy ra trong trường còn non kém, không nghiêm khắc.
Ý kiến về vấn đề này, có người tỏ ra thông cảm, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải chấn chỉnh ngay.
Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Văn Công:
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”; “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu”…
Do vậy ở bất kỳ nhà trường nào thì đội ngũ thầy, cô giáo luôn phải kiểu mẫu về mọi mặt, làm gương cho học trò.
Người thầy không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn, trong sáng, mẫu mực về đạo đức mà còn luôn luyện rèn tư thế, tác phong mẫu mực sư phạm.
Bất kỳ giai đoạn nào của xã hội thì người thầy luôn được đặt ở vị trí quan trọng, được tôn trọng, được vinh danh…
Dưới triều đại phong kiến quan niệm “quân – sư – phụ” là vậy.
Đã từng có giai đoạn coi lời thầy là “khuôn vàng, thước ngọc”, thầy nói sao, học trò đều cũng phải nghe theo là vậy.
Tuy nhiên có nơi, có thời điểm, uy tín một số thầy, cô bị hạ thấp, không được xem trọng khi mà bản thân người thầy không biết giữ mình.
Hiện tượng thầy trò dân chủ quá mức như bá vai bá cổ, kiểu “cá mè một lứa”, hay xung đột giữa thầy và trò, trò xúc phạm thầy, thầy thiếu tôn trọng trò… vẫn xảy ra trong môi trường học đường.
Báo chí rất quan tâm nhưng một số trường hợp chỉ phản ánh được phần nổi của tảng băng chìm, còn rất nhiều hiện tượng xảy ra trong góc khuất tại các nhà trường hiện nay mà chưa được làm rõ.
Câu chuyện “nam sinh thân mật với cô giáo trên bục giảng” tại Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) được tung lên mạng xã hội cũng chỉ là một trong vô số những vụ việc thiếu mô phạm xảy ra khiến dư luận bức xúc, lên án.
Điều đó cho thấy môi trường văn hóa sư phạm hiện nay cũng còn những vấn đề chưa được khắc phục, đó là đội ngũ lãnh đạo quản lý nhà trường thiếu sự quản lý, giám sát kịp thời; chưa đề ra những yêu cầu cụ thể đối với giáo viên và học sinh; kỷ luật học đường có nơi vẫn bị xem nhẹ.
Bản thân một số giáo viên chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người thầy trên bục giảng… đặc biệt là giữ uy tín với học trò.
Môi trường văn hóa sư phạm là một trong những giá trị cốt lõi của nhà trường, trong đó quan hệ thầy trò trên nhiều khía cạnh, bao gồm quan hệ trong công việc (hoạt động dạy – học); quan hệ trong sinh hoạt (giao lưu, trao đổi), quan hệ tình cảm thầy trò (quan tâm, đồng cảm, chia sẻ)…
Mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ các mối quan hệ này, từ đó phải không ngừng hoàn thiện nhân cách cá nhân. Muốn lấy nghề sư phạm làm nghiệp thì bản thân đòi hỏi rất cao.
Sự dễ dãi, tùy tiện, vô nguyên tắc, dân chủ thái quá “cá mè một lứa”… không nên tồn tại trong môi trường sư phạm.
Tôn trọng và yêu cầu cao đối với học sinh luôn là nguyên tắc giáo dục mà mỗi nhà trường và giáo viên cần phải coi đó làm phương châm của mình.
Đừng để cả cuộc đời phấn đấu nhưng chỉ vì một phút sơ suất, dễ dãi sẽ ảnh hưởng đến vai trò, sự nghiệp của mình. Hãy luôn giữ mình cho tâm trong, trí sáng và mẫu mực sư phạm để học sinh còn noi theo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thay-co-giao-phai-giu-cai-uy-khong-the-hoa-dong-theo-kieu-de-dai-voi-hoc-sinh-20241004080345182.htm