Bài tâm sự của một người đàn ông sau khi được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý.
***
Ngoài xã hội, nếu muốn đạt được thành công trong sự nghiệp thì trước tiên phải rèn luyện ý chí, nghị lực tốt và “bỏ ngoài tai” những lời phán xét không thiện chí của người khác. Khi không nao núng trước những lời nói của người khác, bạn đã trở nên “trưởng thành”.
Tôi đã làm việc ở công ty nhỏ được một năm. Không kể những điều đạt được trong công việc, ít nhất tôi cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều về mặt tinh thần, đồng thời tôi cũng đã có cách nhìn thay đổi về những thứ vật chất. Ví dụ, tôi vẫn có thể sử dụng chiếc điện thoại di động 600 NDT (khoảng 2 triệu đồng) này.
Trước đây, tôi sẽ không dùng chiếc điện thoại như vậy. Thực ra, việc bắt đầu sử dụng chiếc điện thoại giá thấp như vậy cũng là vô cùng bất lực. Tôi đã cãi nhau với bố, mất bình tĩnh và làm vỡ chiếc điện thoại xịn. Những năm đó, bố tôi luôn chê bai tôi. Tôi thường cãi nhau với bố, ngày tôi ném vỡ chiếc điện thoại xịn, tôi quyết định “bỏ nhà đi” và nói với bố rằng tôi có thể tự mình sống tốt.
Tôi ra phố mua một chiếc điện thoại di động trị giá 600 NDT (khoảng 2 triệu đồng), đi chợ mua quần áo bình thường. Cuối cùng, tôi chỉ còn lại 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng).
Tôi trở về thành phố cũ, là nơi tôi học cấp 2. Trước kia, có một giai đoạn gia đình tôi gặp khó khăn nên bố đưa tôi về sống với một người chú. Sau này, tôi chuyển đến nơi khác và đến giờ, tôi lại một mình quay lại. Khi trở lại thành phố này, tôi nhanh chóng tìm được việc làm.
Lúc mới đi làm, chỉ cần có công việc gì nặng nhọc, đồng nghiệp đều giao cho tôi làm như việc bê bình nước, đi lấy hàng, chạy đi mua đồ ăn… Ban đầu, tôi cũng không chịu đựng nổi, nghĩ đến việc từ chức nhưng không thể để bố nhìn thấy tôi quay về trong tuyệt vọng nên tôi phải cố gắng. Tôi chịu đựng điều đó, cố gắng thay đổi đồng nghiệp, thiết lập mối quan hệ tốt với họ và làm việc chăm chỉ. Một năm sau, tôi không chỉ thể hiện tốt ở công ty mà còn rất được người khác yêu mến.
Tôi nhớ khi còn đi học, người bạn ngồi phía sau tôi tên là Lý Cường. Một ngày nọ, tôi gặp anh ấy trên đường, anh ấy nói với tôi: “Tình cờ quá có thể gặp bạn ở đây. Tôi đang tìm cách xem làm thế nào liên lạc được với bạn. Mấy ngày nữa là họp lớp cũ, bạn nhớ đến nhé!”.
Tôi và các bạn cùng lớp đã không gặp nhau nhiều năm rồi, tôi rất nhớ họ. Vì thế tôi đã đồng ý tham gia buổi họp lớp. Hôm tổ chức tiệc, tôi vẫn mặc quần áo rẻ tiền như mọi ngày, đạp chiếc xe đạp cũ mua được.
Tôi nhìn thấy Lý Cường ở cửa nhà hàng, không ngờ anh ta cũng có thói quen coi thường người khác, cười khẩy nói: “Người anh em, anh còn đi xe đạp nữa sao? Anh làm gì ở đây vậy”. Tôi không quan tâm, cười nói: “Để anh cười tức là tôi làm không tốt, sau này tôi sẽ phải nhờ anh giúp đỡ nhiều hơn”.
Khi vào nhà hàng, tôi và Lý Cường ngồi cùng một bàn. Lúc đầu Lý Cường cười tôi vì bộ quần áo tôi đang mặc là “hàng chợ”. Sau đó, khi thấy tôi lấy điện thoại di động ra nhắn tin, anh ấy cười nhạo tôi cầm chiếc điện thoại di động 600 NDT (khoảng 2 triệu đồng). Các bạn cùng lớp cũng cười theo anh.
Nếu là trước đây, khi anh ấy cười nhạo tôi, tôi sẽ so đo với anh ấy và khiến anh ấy mất mặt. Nhưng tôi hiểu rằng chúng ta phải chứng tỏ mình bằng năng lực chứ không phải bằng vẻ ngoài. Khi anh ấy cười nhạo tôi vì đi xe đạp, tôi vẫn thản nhiên mỉm cười. Tôi cũng nâng cốc chúc mừng các bạn cùng lớp và nói: “Tôi đã làm các bạn chê cười rồi”.
Một lúc sau, có một người đàn ông mở cửa bước vào. Tôi thấy đó là tài xế của bố tôi. Anh ấy nói với tôi: “Bố em đang đợi em trong xe”.
“Làm sao bố biết tôi ở đây?”, tôi hỏi anh ấy và nhìn xung quanh một lần nữa với vẻ nghi ngờ. Lý Cường cười nói: “Tôi gửi tin nhắn cho bố của anh. Tôi biết bố của anh sẽ tham dự một cuộc triển lãm, đang ở một khách sạn cách đây không xa…”.
Tôi bước ra, tài xế mở cửa chiếc Mercedes-Benz, bố tôi mỉm cười khi nhìn thấy tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy bố cười với tôi sau nhiều năm qua. Hóa ra lúc đó bố không hề lo lắng về việc tôi rời đi mà còn cử người bí mật theo dõi tôi và tìm ra nơi tôi làm việc. Sau này, bố biết được rằng tôi đang làm tốt công việc và sống tốt, bố rất vui. Khi mọi người trong buổi họp lớp biết được điều này, ai nấy đều ngạc nhiên.
Khi Lý Cường đang tìm việc, anh ấy vô tình đến công ty của bố tôi để nộp đơn. Trong quá trình phỏng vấn, bố tôi biết được thời còn đi học anh ấy và tôi từng học cùng lớp. Các bạn cùng lớp tổ chức họp lớp, anh ấy lại tình cờ gặp tôi nên nói với bố tôi. Bố tôi đã sắp xếp để anh ấy thử thách tôi, muốn anh coi thường và cười nhạo tôi xem tôi sẽ phản ứng thế nào.
Sau khi nghe Lý Cường kể lại cách mà tôi phản ứng, bố tôi đã nói với tôi: “Bây giờ bố đã yên tâm và tin tưởng con rồi”.
Những trải nghiệm thực tế của cuộc sống đã giúp tôi thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều so với thời điểm vẫn còn được sự bao bọc của gia đình. Bây giờ, tôi cố gắng làm việc, trau dồi năng lực của bản thân, không để tâm quá nhiều vào những thứ vật chất bên ngoài. Tôi cũng không bận tâm đến lời khen chê của người khác mà tập trung vào chính mình.
Buổi họp lớp, gặp mặt bạn cũ lần này cũng khiến tôi hiểu ra được nhiều điều. Qua việc bị cười nhạo ở buổi họp lớp, tôi nghĩ chúng ta cần học cách tôn trọng người khác. Khi một người bị khen hay chê, trong lòng không nên vui mừng hay buồn bã, chỉ có tâm trí ổn định, vững vàng, tập trung trau dồi bản thân, bạn mới có thể đạt được những mục tiêu lớn.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/di-hop-lop-toi-bi-ban-cu-che-nhao-vi-di-xe-dap-mac-quan-ao-re-dung-dien-thoai-2-trieu-thay-chiec-xe-den-don-toi-ai-nay-deu-nin-lang-172240513114002248.htm