Cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện tại như một chiếc áo đã quá chật, nên đã đến lúc, cần thay một chiếc áo mới và không can thiệp hành chính vào hoạt động của các doanh nghiệp này.
Cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện tại như một chiếc áo đã quá chật, nên đã đến lúc, cần thay một chiếc áo mới và không can thiệp hành chính vào hoạt động của các doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp nhà nước đang cần có cơ chế đủ thông thoáng để cạnh tranh kinh doanh một cách bình đẳng. Ảnh: Đức Thanh |
Để doanh nghiệp tự quyết định kế hoạch sản xuất, kinh doanh
Trong tuần này, tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ tám, chiều 29/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo).
Trước đó, Dự thảo đã được Quốc hội thảo luận tại tổ với nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải “cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước.
Trình Dự án luật tại Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, luật hiện hành thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quy định hiện nay còn thể hiện sự “can thiệp hành chính” của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phó thủ tướng cho biết, Dự thảo xác định rõ, Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp. Lần sửa đổi này tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Dự thảo quy định, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt của nền kinh tế, doanh nghiệp quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia, các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức nhóm công ty gồm tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con phải xây dựng và được phê duyệt chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn lại không phải xây dựng và phê duyệt chiến lược kinh doanh theo quy định của luật này.
Thẩm tra, có ý kiến tại Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, kế hoạch kinh doanh là hoạt động quản trị của doanh nghiệp, cơ quan chủ sở hữu không nên can thiệp vào việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Về sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể về thẩm quyền, quyết định, phạm vi, nội dung sử dụng, đảm bảo nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.
Quan điểm được đại biểu rất tán thành khi thảo luận tại tổ là, tiền vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp thì trở thành vốn và tài sản của doanh nghiệp.
“Khi tiền vốn trở thành vốn của doanh nghiệp, thì cần nói rõ, Nhà nước trở thành người sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ vốn đóng góp, chứ không phải là người quản lý vốn”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) góp ý.
Nhất trí với nguyên tắc vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp phải được bảo toàn và phát triển, song đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại, nếu áp dụng máy móc nguyên tắc này vào tất cả các dự án, tất cả hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thì sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
“Nếu đầu tư 10 dự án, có thể thua lỗ 4 -5 dự án, nhưng những dự án còn lại có lãi và tổng thể có lãi thì việc đánh giá phải là hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi không thể có doanh nghiệp nào làm cái gì cũng có lãi được. Việc này phải cân nhắc thêm để chúng ta có một cơ chế bảo vệ người quản lý, người điều hành doanh nghiệp”, ông Hùng nêu ý kiến.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) nhận xét, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện tại như là một cái áo đã quá chật so với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. “Ngày xưa, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân chỉ mong muốn được ưu ái như doanh nghiệp nhà nước, thì bây giờ, doanh nghiệp nhà nước lại muốn có một cơ chế đủ thông thoáng như doanh nghiệp cổ phần, có thể đủ cởi mở để cạnh tranh kinh doanh một cách bình đẳng, sòng phẳng”, ông Ấn nói.
Đánh giá tổng thể giá trị mang lại, chứ không đánh giá từng việc
Lần sửa đổi này, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, cần chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu.
Cách tiếp cận mới này, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, cần tính đến cơ chế để đánh giá về tổng thể mục tiêu đạt được của một doanh nghiệp nhà nước, không đi sâu vào trực tiếp một hành vi cụ thể. “Tức là, trong 10 quyết định việc kinh doanh, có 1-2 quyết định kinh doanh có thể mắc sai lầm nhất định, nhưng không vì mục tiêu cá nhân, tổng thể năm đó vẫn đạt được chỉ tiêu kinh doanh, thì không nên truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân”, ông Ấn góp ý.
Chủ tịch Agribank đề nghị nguyên tắc này cần phải được cụ thể hóa bằng những hướng dẫn, quy định của Chính phủ, cũng như trong thực thi của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Như thế, đội ngũ doanh nhân làm trong khu vực nhà nước mới yên tâm thực thi nhiệm vụ.
Nên hướng đến quản lý theo mục tiêu, thay vì quản lý theo quy trình thủ tục, cũng là quan điểm của nhiều đại biểu ở tổ thảo luận khác.
Đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) cho rằng, cần tính toán lại mô hình quản lý, giám sát đối với các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và các khoản vốn đầu tư của Nhà nước với doanh nghiệp. Cơ quan chủ sở hữu, thay vì phải tham gia ý kiến chỉ đạo quá nhiều nội dung về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, nên tập trung cho ý kiến đối với điều lệ tổ chức hoạt động, chiến lược và quy chế tài chính của doanh nghiệp, đồng thời tập trung vào việc giao chỉ tiêu đánh giá hoạt động từ lợi nhuận tài chính, đổi mới, phát triển mục tiêu kinh tế – xã hội của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, chủ sở hữu thực hiện giám sát, đánh giá kết quả thực hiện với chỉ tiêu đã giao và có ý kiến chỉ đạo về việc phân phối lợi nhuận sau khi kết thúc năm tài chính.
“Cần hạn chế đến mức tối đa việc chủ sở hữu phải phê duyệt chủ trương, có ý kiến chỉ đạo về hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, hợp đồng chuyển nhượng dự án…”, ông Linh góp ý.
Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nên giao hội đồng quản trị quyết định, miễn làm sao bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, đồng thời phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ, cơ quan quản lý có công cụ để định hướng, kiểm tra, giám sát. Luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền, với quan điểm, đầu tư công thì thực hiện theo Luật Đầu tư công, còn vốn của tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào đâu thì hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm, chứ không phải đi xin thêm các cấp hành chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Ở tổ thảo luận khác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ý kiến, mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện chưa ổn định, do đất nước còn trong quá trình phát triển. Vì vậy, quá trình làm, nghiên cứu mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, cũng không nóng vội, “cái gì được thì giữ, cái gì không được thì loại”.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung – cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp hành chính thì làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy phát triển”.
Theo Thủ tướng, khi đánh giá doanh nghiệp, cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại, chứ không đánh giá từng việc một. Ví dụ, trong 10 việc được giao, có thể 2 – 3 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ, nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn và phát triển vốn.
“Doanh nghiệp tư nhân làm rất nhanh, có bao giờ đấu thầu đâu, nhưng làm rất đúng. Ta cái gì cũng đấu thầu, nhưng cuối cùng vẫn quân xanh, quân đỏ, cuối cùng kỷ luật liên tục. Làm sao rút ra kinh nghiệm trong việc này chứ”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh và đề nghị rà soát, thiết kế công cụ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, dứt khoát bỏ tư duy không quản lý được thì cấm.
Hiện nay, theo quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, các chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc không có tư cách pháp lý đầu tư, đề xuất thực hiện dự án. Vì vậy, để tạo công bằng cho doanh nghiệp nhà nước trong việc triển khai thực hiện thủ tục đầu tư trên địa bàn cả nước, thúc đẩy các dự án của doanh nghiệp nhà nước, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, ngân hàng, viễn thông…, đề nghị nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan bổ sung quy định các chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty mẹ, tập đoàn kinh tế nhà nước được đầu tư các dự án theo quy định ủy quyền.
Đại biểu – doanh nhân Trần Thị Hiền (Hà Nam)
Nguồn: https://baodautu.vn/thay-chiec-ao-qua-chat-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-d230972.html