Hai đợt khai quật phế tích tháp Đại Hữu (thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cho thấy, kiến trúc Champa giữa thế kỷ XIII này là sản phẩm kết tinh nhiều nền văn hóa.
Kích thước hoành tráng, hiện vật đa dạng
Đại Hữu được biết lần đầu qua công trình “Thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại An Nam” của Henri Parmentier, xuất bản năm 1909. Mô tả từ nhà nghiên cứu Pháp dừng lại ở những dấu vết mờ nhạt, những tàn tích “bị sụp đổ” bên trên.
Đầu năm 2023, Bảo tàng Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật Đại Hữu với diện tích 200m2, làm xuất lộ một phần tường tháp phía Bắc, Nam và Đông, đồng thời thu nhiều hiện vật giá trị như mảnh đài thờ bằng đá sa thạch, các mảnh bia ký, đầu tượng Siva, hiện vật trang trí…
Theo TS Phạm Văn Triệu (Viện Khảo cổ học), kết quả khai quật cho thấy Đại Hữu vốn là quần thể kiến trúc lớn, hoàn chỉnh, bao gồm các đền tháp tôn giáo của người Champa. Tuy vậy, thông tin, cứ liệu chưa đủ nhiều để đánh giá, vì phạm vi xuất lộ còn hạn chế.
Lần khai quật thứ 2, từ tháng 5 đến tháng 7.2024, diện tích mở rộng thêm 300m2, làm lộ diện toàn bộ phần thân tháp, nền móng tiền sảnh phía Đông, nền móng chân đế phía Bắc, một phần nền móng hai phía Nam và Tây.
Hình dung về tháp Đại Hữu đã rõ ràng hơn. Tháp có bình đồ hình vuông với thân cỡ 9,8 x 9,8m; nền móng chân đế 12,7 x 12,7m; cửa ra vào hướng Đông có tiền sảnh dài 6,42m. Đặc biệt, lần khai quật này đã tìm thấy hố thiêng trong lòng tháp, kích thước 3,8 x 3,8m, sâu 1,24m. Hố thiêng là hạng mục trung tâm, nơi diễn ra nghi thức đầu tiên khi tiến hành xây dựng và là nơi linh thiêng nhất của cổ tháp uy nghi.
TS Phạm Văn Triệu kết luận: “Phế tích Đại Hữu là dấu vết còn sót lại của một kiến trúc tháp Champa có quy mô lớn của vùng đất Vijaya trong lịch sử”.
Đại Hữu cung cấp cho nghiên cứu khảo cổ và hoạt động bảo tàng 156 hiện vật đá nhiều loại hình, kích cỡ, gồm các mảnh bệ thờ, minh văn, lá nhĩ, đá trang trí điểm góc, phù điêu hình người, tượng động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen, cối và chày đá. Chất liệu đất nung phong phú hơn, 522 hiện vật, chưa tính gạch. Có thể kể tới gốm trang trí điểm góc, ngói mũi lá, phù điêu hình động vật, đồ gốm gia dụng (có cả gốm Champa, gốm Việt lẫn gốm Nhật Bản, Trung Quốc).
“Thời cực thịnh của gốm Champa”
Phát hiện khảo cổ ở Đại Hữu mang lại nhiều nhận thức mới và thú vị. Trong khi nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang bày tỏ sự không hài lòng với quy mô khai quật manh mún so với một quần thể kiến trúc rộng lớn thì nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định Đặng Hữu Thọ tỏ ra bất ngờ trước loạt hiện vật xác nhận đời sống, sinh hoạt của người Champa xưa. “Cho đến nay, chúng ta chủ yếu chỉ tìm thấy dấu tích thờ phụng, cầu cúng, tôn giáo, tâm linh mà thôi” – ông Thọ phấn chấn nói.
Việc lưu lại hàng trăm hiện vật gốm gia dụng có nguồn gốc “đa quốc gia” phản ánh sự hưng thịnh và không khí giao thương cởi mở của thời đại.
TS Lê Đình Phụng – Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam – nhận định: “Đại Hữu kế thừa tinh hoa nghệ thuật điêu khắc Trà Kiệu, kết hợp với văn hóa Khmer. Đây là thời kỳ cực thịnh của gốm Champa, gắn với hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp qua thương cảng Thị Nại. Thời của những thế lực chính trị Thị Nại hùng mạnh”.
Chủ trì khai quật, TS Phạm Văn Triệu giải thích cụ thể hơn: “Hố thiêng, trụ thiêng mang đậm dấu ấn kiến trúc tôn giáo của văn hóa Ấn Độ. Phế tích kế thừa nghệ thuật kiến trúc Champa qua bình đồ hình vuông, chất liệu chính là gạch, kết hợp sử dụng vật liệu mới từ văn hóa Khmer là đá ong.
Trang trí kiến trúc cũng mang phong cách Tháp Mẫm, tức lối điêu khắc Champa chịu ảnh hưởng nghệ thuật Khmer. Việc phát hiện các mảnh bệ thờ trang trí hình vú cho thấy sự hiện hữu của tục thờ Uroja (tiếng Chăm là vú phụ nữ), phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu mang màu sắc bản địa”.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/thay-champa-dai-viet-an-do-khmer-trong-long-mot-phe-tich-1386933.ldo