Sau khi hoàn tất thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) Sabibeco, Sabeco sẽ trở thành doanh nghiệp bia có quy mô sản xuất lớn nhất ở trong nước. Mục tiêu năm 2024 của Sabeco là tăng thị phần và giữ vị thế thương hiệu bia số 1 ở thị trường Việt Nam.
Sabeco tiếp tục chi tiền M&A, nâng quy mô sản xuất để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng. Ảnh: Đức Thanh
Sở hữu quy mô sản xuất lớn nhất
Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) thông báo kế hoạch chào mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,2% vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco, mã SBB).
Thời gian dự kiến diễn ra giao dịch từ ngày 31/10 đến ngày 25/12/2024, nâng sở hữu trực tiếp của Sabeco tại Sabibeco từ gần 14,4 triệu cổ phiếu (16,4%) lên gần 52,2 triệu cổ phiếu (59,6%), qua đó trở thành công ty mẹ của Sabibeco.
Với giá chào mua 22.000 đồng/cổ phiếu, ước tính, Sabeco cần chi ra gần 832 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ này. Đáng chú ý, mức giá này cao hơn khoảng 24% so với thị giá cổ phiếu SBB hiện tại.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SBB gần đây đi ngang sau đợt tăng mạnh vào tháng 8/2024, giai đoạn cổ phiếu này tiến một mạch từ vùng quanh 14.000 đồng/cổ phiếu lên vùng quanh 18.000 đồng/cổ phiếu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt khoảng 15.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 2.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 6% so với cùng kỳ năm 2023. |
Sabeco cho biết, trong quá trình chào mua, có thể tăng giá (nếu cần) để đảm bảo lợi ích của Công ty, cũng như đưa ra các điều kiện về việc hủy bỏ đợt chào mua, nếu số lượng cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt tỷ lệ tối thiểu hơn 25,1 triệu cổ phiếu (28,7% cổ phiếu đang lưu hành), hoặc SBB giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Sabibeco được biết đến với nhãn hiệu bia Sagota, gồm nhiều sản phẩm bia hơi, bia lon, bia tươi, bia chai; sản phẩm gia công bia Saigon Special, Saigon Larger, Saigon 333 Export, Saigon Export; nước uống lúa mạch vị chanh và vị mâm xôi Malty.
Theo Công ty Chứng khoán FPTS, sau khi hoàn tất thương vụ M&A Sabibeco, tổng công suất của Sabeco sẽ nâng lên 3,01 tỷ lít bia/năm ngay trong năm 2024, tăng 25,4% so với công suất hiện tại và trở thành doanh nghiệp bia có quy mô sản xuất lớn nhất Việt Nam.
Vượt mặt đối thủ
Sabeco tiếp tục chi tiền M&A trong bối cảnh các đối thủ ngành bia vừa công bố báo cáo tài chính bán niên với doanh thu tiếp tục “trượt dốc”, lợi nhuận sụt giảm, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động. Dự báo, ngành bia vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Theo dữ liệu của bộ phận nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ (NIQ), thị trường bia trong nước hiện có 181 doanh nghiệp sản xuất tham gia. Trong đó, hơn 90% doanh thu, sản lượng thuộc về 4 nhà sản xuất lớn, gồm doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài là Heineken, Sabeco, Habeco và Carlsberg.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) cho thấy, sản lượng bia toàn cầu của Hãng giảm 4,7%, chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria.
Tại thị trường Việt Nam, theo Báo cáo tài chính bán niên 2024 hợp nhất của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) – đơn vị sở hữu 40% phần vốn tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading) – doanh thu nửa đầu năm nay của Công ty đạt 4.651 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự đi xuống của doanh thu thuần không lớn, nhưng lợi nhuận sau thuế của Satra trong nửa đầu năm giảm tới 56% so với cùng kỳ, chỉ đạt 792 tỷ đồng.
Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạm ngừng hoạt động Dự án Nhà máy bia Heineken Việt Nam – chi nhánh Quảng Nam.
Dù đây chỉ là nhà máy có công suất nhỏ, nhưng động thái của Heineken vẫn phản ánh những khó khăn chưa từng có mà hãng này đang đối mặt.
Thực tế, không chỉ Heineken, nhiều công ty bia trong nước cũng sụt giảm lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Habeco đạt lợi nhuận ròng 151 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ; Công ty Bia Sài Gòn – Miền Tây đạt lợi nhuận sau thuế 42 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ; Công ty Bia Sài Gòn – Phú Thọ lỗ hơn 1 tỷ đồng…
Chỉ riêng Sabeco ghi nhận lãi nhẹ trong nửa đầu năm nay. Ban lãnh đạo Sabeco cho biết, nền kinh tế được cải thiện trong nửa đầu năm, nhưng việc thực thi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông) vẫn nghiêm ngặt và sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Doanh thu thuần của Sabeco cao hơn cùng kỳ năm 2023 chủ yếu nhờ tác động tích cực của việc tăng giá.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4/2024, Sabeco thông qua kế hoạch doanh thu 34.397 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023; lợi nhuận đạt 4.580 tỷ đồng, tăng 7,6%. Mục tiêu trong năm 2024 của Sabeco là tăng thị phần và giữ vị thế thương hiệu bia số 1 ở thị trường Việt Nam.
Nguồn: https://baodautu.vn/thau-tom-sabibeco-sabeco-vuon-toi-ngoi-vuong-d228952.html