Ngày 10/12, tại Tx.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả một năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh.
Ba tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh với nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, con người và lịch sử; nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, phía Bắc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, chiếm 10,1% diện tích của cả nước.
Hợp tác phát triển liên kết vùng đã và đang là xu thế tất yếu được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua, 3 tỉnh đã tăng cường liên kết, hợp tác, đặc biệt là ngày 16/9/2022, tại Tp.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo 3 tỉnh đã ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giai đoạn 2022 – 2025.
Sau một năm triển khai thực hiện chương trình hợp tác đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực như: vận động, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; du lịch; văn hóa, thể thao; giáo dục – đào tạo; y tế; lao động; quốc phòng – an ninh; xây dựng Đảng;…
Những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương và tiếp tục thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác, lâu dài giữa các địa phương, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển chung của vùng và cả nước.
Trong năm 2022 và 2023, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhìn chung tình hình phát triển kinh tế – xã hội của 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh tiếp tục xu hướng phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực; tăng trưởng của 3 địa phương thuộc nhóm khá và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Tỉnh Thanh Hóa: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,01% (đứng thứ 29 cả nước). Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 272.950 tỷ đồng, đứng thứ 8/63 địa phương trong cả nước.
Tỉnh Nghệ An: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 7,14% (đứng thứ 26 cả nước). Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 195.199 tỷ đồng, đứng thứ 10/63 địa phương trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An đã có sự bứt phá về thu hút FDI, là điểm sáng nổi bật: Năm 2022 lần đầu tiên vào nhóm 10/63 địa phương thu hút FDI lớn nhất với tổng số vốn đăng ký 961,3 triệu USD; năm 2023, tính đến ngày 7/12/2023, tổng số vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh là 1,42 tỷ USD (dự kiến cả năm 2023 đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD).
Tỉnh Hà Tĩnh: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước đạt 8,05% (đứng thứ 15 cả nước). Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 102.500 tỷ đồng.
Trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế – xã hội, 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý dự án đầu tư sau cấp phép. Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực.
Các đơn vị liên quan của 3 địa phương thường xuyên trao đổi, phối hợp trong thu hút, quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Cùng với đó 3 địa phương đã tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập quy hoạch, tham gia ý kiến dự thảo quy hoạch của mỗi tỉnh; đến nay cả 3 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh theo quy hoạch được duyệt…
Trong phối hợp triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng như dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển, nâng cấp Quốc lộ 1A, cầu Cửa Hội,… đã tăng cường phối hợp huy động đa dạng nguồn lực để xây dựng hạ tầng liên kết vùng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển trọng điểm gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như: Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp và các vùng phát triển công nghiệp, thương mại theo các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên lĩnh vực công thương, 3 tỉnh đã từng bước đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghiệp, liên kết phát triển thương mại, logistics mà mỗi tỉnh có lợi thế; trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, định hướng phát triển xuất nhập khẩu; phối hợp kết nối, kêu gọi doanh nghiệp của 3 tỉnh tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ba tỉnh cũng đã thường xuyên trao đổi tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương, của từng tỉnh (như chính sách tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp công nghệ cao; các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Cùng với đó, 3 tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, cung cấp danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để các tỉnh cùng phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm…
Song song với phối hợp trên lĩnh vực kinh tế, 3 tỉnh đã triển khai kết nối các tour du lịch trải nghiệm Thành Nhà Hồ – Khu di tích Kim Liên – Khu du lịch biển Thiên Cầm và liên kết các địa chỉ du lịch của 3 tỉnh cùng các giá trị văn hóa, truyền thống; cùng tham gia nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch, trưng bày các ấn phẩm du lịch, giới thiệu các danh lam thắng cảnh và các sản phẩm OCOP tiêu biểu… Trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế, lao động, quốc phòng – an ninh cũng đã được 3 tỉnh triển khai mạnh mẽ, sâu rộng các hoạt động hợp tác.
Phát biểu khai mạc và chào mừng hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định, hội nghị chính là cơ hội để lãnh đạo 3 tỉnh trao đổi, đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả, thành tựu đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hợp tác phát triển giữa 3 địa phương, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp hợp tác, liên kết trọng tâm trong thời gian tới.
Hội nghị cũng là cơ hội để 3 tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở từng địa phương; qua đó tăng cường củng cố, bồi đắp và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác cùng phát triển trong thời gian tới.
“Tỉnh Nghệ An luôn kỳ vọng và tin tưởng rằng Chương trình hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất, thực chất hơn và đi vào chiều sâu, mở ra nhiều triển vọng mới, cơ hội hợp tác mới và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa 3 địa phương”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh.