HẠNH NGUYÊN (Theo Japan Times)
Từ việc cấm sử dụng túi nhựa ở các nước như Trung Quốc, Canada, Pháp, cho đến động thái loại bỏ ống hút, đồ chứa bằng nhựa của các “ông lớn” Starbucks và McDonald’s, các chính phủ và công ty đã thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhằm hạn chế sản xuất nhựa và rác thải trong nhiều năm qua. Nhưng tại sao thế giới vẫn thua trong “cuộc chiến đẩy lùi rác thải nhựa”?
Một bãi rác thải nhựa tại Sri Lanka. Ảnh: Barrons
Báo cáo gần đây của Back to Blue, một sáng kiến chung của Economist Impact và Quỹ Nippon, đã nêu chi tiết những thất bại trong cuộc chiến. Sản xuất nhựa trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi lên 460 triệu tấn trong giai đoạn 2000-2019, tạo ra 353 triệu tấn rác thải nhựa vào năm 2019 và chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế. Trong cái gọi là viễn cảnh những biện pháp chính sách lớn không được thực thi để kiềm chế tiêu thụ nhựa, chỉ tính các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có thể sẽ tiêu thụ 451 triệu tấn nhựa đến năm 2050.
Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu 24 loại rác thải rắn trong năm 2017, Mỹ – quốc gia xả rác nhựa nhiều nhất thế giới – đã lái hướng đi của phế liệu sang khu vực Ðông Nam Á. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, Thái Lan đã công bố lệnh cấm nhập khẩu rác và có hiệu lực vào năm 2025.
Khả năng rác thải nhựa bị đẩy xuống các hệ thống sông ngòi là điều mà Giáo sư Takanobu Inoue tại Ðại học Công nghệ Toyohashi (Nhật Bản) đã trực tiếp chứng kiến khi thực hiện nghiên cứu ở Indonesia. Nhóm nghiên cứu phát hiện nhựa chiếm tới 74% tổng lượng rác thải ở 2 con sông gần thủ đô Jakarta. Theo Giáo sư Inoue, điều quan trọng là ngăn chặn xả rác thải nhựa vào môi trường, thay vì giảm sử dụng nhựa. Ðồng quan điểm, Chính phủ Nhật Bản cũng ủng hộ việc tái chế và tái sử dụng nhựa, thay vì hạn chế sản xuất bởi không có “giải pháp nào giải quyết mọi vấn đề”.
Liên minh Tham vọng cao, một nhóm các quốc gia muốn chấm dứt việc sản xuất nhựa vào năm 2040, cho rằng sản xuất đã chạm tới “các mức không bền vững” và khó tránh khỏi tình trạng rò rỉ dưới tốc độ tăng trưởng sản lượng nhựa như hiện nay.
Liên Hiệp Quốc trong tháng này đã đạt bước tiến lớn khi các nhà đàm phán đến từ 170 quốc gia đồng ý xây dựng dự thảo hướng đến sự ra đời của hiệp ước hạn chế ô nhiễm nhựa đầu tiên trên thế giới.
Theo báo cáo của Trung tâm Luật Môi trường quốc tế, hoạt động sản xuất và thiêu đốt nhựa đã xả thêm 850 triệu tấn khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển hồi năm 2019. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng nhựa như hiện nay, lượng khí thải hàng năm có thể lên tới 1,3 tỉ tấn vào năm 2030, tương đương tổng lượng khí thải của hơn 295 nhà máy điện than mới công suất 500 megawatt.