(HBĐT) – Đó không chỉ là suy nghĩ, cảm xúc của riêng tôi mà dường như đã ngự trị trong tâm khảm của nhiều du khách có ít nhất 1 lần đến với Ninh Thuận và 1 lần bước chân lên từng bậc thang gạch vững trãi để tham quan, chiêm ngưỡng quần thể di tích quốc gia tháp Po Klong Garai. Điều gì đã tạo nên những “miền nhớ” đó? Trở lại Ninh Thuận lần này chúng tôi tiếp tục khám phá và rồi có câu trả lời: Vì quần thể di tích tháp Po Klong Garai không chỉ đơn giản là một công trình kiến trúc điêu khắc hoàn mỹ, mà còn là nơi kết tụ tinh hoa của nền văn hóa Chăm Pa.
Du khách chụp ảnh kỷ
niệm trong quần thể tháp Po Klông Garai – Ninh Thuận.
Hơn 10 năm về trước, tôi đã được đặt chân tới “xứ sở xương
rồng đỏ” – Tháp Chàm Ninh Thuận và đã được thưởng ngoạn cảnh sắc quần thể tháp
Chăm Po Klong Garai. Tòa tháp tọa lạc trên đồi Trầu, thuộc TP Phan Rang – Tháp
Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ngày đó, Ninh Thuận chưa được biết đến là điểm nhấn trên
hành trình du lịch miền Trung như bây giờ, bởi thế các điểm di tích còn khá
vắng vẻ và quần thể tháp Po Klong Garai cũng vậy. Đưa chúng tôi tham quan là
một đồng nghiệp ở Báo Quảng Trị cùng một nhân viên Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
Bởi ít người tham quan nên đoàn chúng tôi được ngắm nhìn tường tận những nét
kiến trúc độc đáo, nghe thuyết minh kỹ lưỡng về cụm tháp: Tháp Po Klong Garai
là quần thể gồm 3 ngôi tháp, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế
kỷ XIV. Tháp chính thờ tượng vua Po Klong Garai (1151 – 1205). Tổng thể tháp
chính mô phỏng theo hình hài ngọn núi Peru – một ngọn núi thiêng của Ấn giáo
bên Ấn Độ, gắn với tục thờ thần Siva và các vị vua thần Chăm. Thấp hơn là tháp
lửa, cao hơn 9m, có 3 cửa thông nhau theo 3 hướng Đông, Bắc và Nam. Chức năng
của tháp này là để các tu sĩ Bà-la-môn, thầy cúng bày các vật tế lễ và giữ ngọn
lửa tế nên người Chăm gọi là tháp lửa. Kế bên tháp lửa là tháp cổng, phía sau
ngôi tháp chính còn có một miếu thờ tượng Kút hoàng hậu. Theo ghi chép và
nghiên cứu của các nhà sử học thì đây chính là hoàng hậu Tố Lý.
Có thuyết minh viên, một lần nữa chúng tôi được nghe lại sự
tích thần thoại khá ly kỳ, hấp dẫn về cuộc đời, sự nghiệp của vua Po Klông
Garai – người có công trạng to lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập
điền phục vụ nông nghiệp của người Chăm trong vùng. Dấu tích những công trình
thủy lợi đó còn được lưu lại và được sử dụng cho đến ngày nay là đập Nha Trinh
và đập Lâm Cấn của Ninh Thuận.
Để gợi lại “miền nhớ” đó, trở lại Ninh Thuận lần này chúng
tôi đến với quần thể di tích tháp Po Klong Garai. Không khó để nhận ra nét khác
biệt khi bước vào không gian quần thể di tích, đó là sự tấp nập du khách viếng
thăm. Ngay khi có được tấm vé vào khu di tích, mỗi du khách được phát một tờ
rơi song ngữ Việt – Anh giới thiệu về tháp Po Klong Garai, trong đó có sơ đồ
chỉ rõ: Bãi đậu xe khách, khu bán hàng lưu niệm, khu tổ chức các hoạt động
ngoài trời, sân khấu biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm. Đồng thời được các
thuyết minh viên chỉ dẫn: Đây là địa điểm tâm linh của đồng bào Chăm, vì thế
khi đến đây du khách cần tuân thủ một số quy định để thể hiện là một du khách
văn minh như: Không mặc áo quá rộng cổ và váy ngắn, quần sooc. Nếu du khách chưa
kịp chuẩn bị có thể sử dụng khăn choàng lớn để chòng, quấn lại cho kín đáo.
Tránh mang máy ảnh vào bên trong tháp chính nơi thờ vua Po Klong Garai. Khi
chụp ảnh cần quan sát để đảm bảo không đứng chính diện trước tháp chính dù quay
mặt ra hay quay mặt vào. Không tự ý vẽ
bậy lên các viên gạch tại tháp; trò chuyện vừa đủ nghe, tránh ồn ào gây mất
trật tự nơi tôn nghiêm…
Chúng tôi cùng di chuyển quan sát và không khỏi ngỡ ngàng.
Bởi mỗi cụm tháp có một vẻ đẹp, một nét quyến rũ riêng nhưng vẫn hòa hợp, đồng
điệu trên những nét kiến trúc tổng thể của văn hóa Chăm. Tòa tháp được xây dựng
bằng loại gạch màu đỏ sẫm. Từ chân tháp rộng, những đường nét cứ thế mở dần ra
rồi lại thon vút lại như đóa hoa đang hé nở.
Tường ngoài của tháp là những chi tiết hoa lá, chim muông,
vũ nữ, thần thánh… được điêu khắc một cách tinh xảo, tinh tế và sống động đến
không ngờ. Tưởng chừng như chỉ cần chạm tay vào bức tường đó, một vũ nữ Chăm
mày ngài mắt phượng sẽ uốn tấm lưng ong đứng dậy, nhấc gót chân sen để say mình
trong những vũ điệu đam mê bất tận. Nét đặc trưng của tháp Po Klong Garai đem
lại cảm giác lộng lẫy, tráng lệ pha lẫn chút huyền bí khiến du khách lưu luyến.
Năm 1979, tháp Po Klong Garai được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa –
Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đến năm 2016
được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Theo giới thiệu của thuyết minh viên: Mỗi năm người Chăm tổ
chức lễ hội trên tháp 3 lần, gồm: lễ mở cửa tháp, lễ Katê thờ thần Cha và lễ
Cambun thờ thần Mẹ. Đến tháp Po Klong Garai vào các dịp lễ lớn như lễ đầu năm,
lễ cầu mưa, đặc biệt là lễ hội Katê, du khách sẽ được hòa mình vào không khí
tưng bừng, nhộn nhịp của các nghi thức lễ hội. Và tất nhiên, một lần qua sẽ là
vạn lần nhớ, dẫu khung cảnh cụm tháp Po Klong Garai rực lên trong ánh bình minh
tươi sáng hay trễ nải trong vệt nắng buổi chiều tà.
Thúy Hằng (CTV)