Hai vợ chồng già vượt sóng đến Trường Sa
Đó là ông Lê Trọng Cát (72 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hà (66 tuổi), trú ngõ Xã Đàn 2 (phố Nam Đồng, Q.Đống Đa, Hà Nội). Trong đoàn công tác với hơn 200 đại biểu, ông Cát là người cao tuổi nhất và có lẽ cũng là một trong những người hiếm hoi ở tuổi U.80 vẫn dấn thân đến với Trường Sa, bởi đây là hành trình gian nan, thử thách.
Không chỉ dũng cảm bước đi, mà họ còn là cặp đôi rất tích cực tham gia các hoạt động trẻ do T.Ư Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức trong suốt hành trình. Ngay đêm đầu tiên trên tàu, khi diễn ra buổi giao lưu văn nghệ kỷ niệm Ngày truyền thống Hải quân nhân dân VN, mặc dù có hàng trăm người say sóng, không thể tham dự chương trình nhưng họ vẫn xuất hiện trên sân khấu biểu diễn văn nghệ với các đại biểu. Đặc biệt, hai vợ chồng ông Cát đã rất hào hứng tham gia các cuộc thi trên tàu với những tiết mục ấn tượng. Khi tham gia cuộc thi “cặp đôi hoàn hảo”, họ đã lên sân khấu trình diễn bằng ngôn ngữ ký hiệu và cho biết đó là câu: “Chúng tôi yêu Trường Sa” của người khiếm thính.
Bà Hà chia sẻ trước đây hai vợ chồng là giáo viên dạy trẻ khiếm thính, nên rất thấu hiểu thiệt thòi của các em. Với lần đi Trường Sa này, hai vợ chồng bà sẽ về lan tỏa những thông tin về Trường Sa tới người khiếm thính, để không một đối tượng nào không biết về Trường Sa.
Nói về hành trình đến với Trường Sa, bà Hà tâm sự hai vợ chồng bà thường xuyên cùng nhau đến các vùng biên giới, hải đảo vì có một tình yêu rất lớn với những nơi này. “Chồng tôi từng là người lính, chúng tôi đã trải qua các cuộc chiến tranh nên rất thấu hiểu những mất mát, đau thương của dân tộc và sự gian lao của người lính. Mặc dù tuổi đã cao, chúng tôi vẫn mong một lần được đặt chân tới Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, để động viên các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cao cả giữ vững chủ quyền nơi đảo xa”, bà Hà chia sẻ.
Lan tỏa tình yêu biển đảo
Mặc dù tuổi cao, nhưng hai cụ đi hết các điểm của hành trình và không bỏ qua điểm đảo nào. Vào những lúc biển động, chiếc cano chở đại biểu lên đảo có lúc bị sóng đẩy lên cao rồi lại vùi xuống biển, nhưng hai cụ vẫn vững vàng vượt sóng để đến với 7 đảo. Thậm chí, nhà giàn là điểm gian nan nhất vì không dễ tiếp cận và rất nguy hiểm cho những ai sợ độ cao, nhưng hai cụ vẫn chiến thắng bản thân leo lên và trở về an toàn.
“Trước khi đi, chúng tôi đã tìm hiểu từ rất nhiều người đã đi rồi, nên đã chuẩn bị thuốc men và rèn luyện sức khỏe. Dù chân đau nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi và không bỏ điểm nào, bởi nhất định phải đến được và hạnh phúc vì đến được Trường Sa”, cụ ông hào hứng nói.
Khi đã trải qua các điểm đảo, cụ bà xúc động nói: “Khi đến đây, chúng tôi đã rất cảm phục tinh thần của chiến sĩ và người dân, vì ở tuyến đầu xa xôi, sự giao lưu liên lạc với con người rất khó khăn, nhưng họ rất kiên cường, bản lĩnh, vững vàng bảo vệ Tổ quốc”. Cụ ông cũng chia sẻ dù tuổi cao nhưng khi nhìn thấy lớp trẻ, lại như thấy mình ngày xưa đã vượt Trường Sơn đi chiến đấu.
“Những gian nan, khó khăn bây giờ còn lớn hơn cả ngày xưa. Ở Trường Sơn, tôi vẫn được giao tiếp với nhiều người, nhưng ở đây thì không thể. Họ phải xa gia đình, xa đất liền và sống với biển khơi. Ý chí, nghị lực, sự hy sinh của các chiến sĩ ở đây là không gì so sánh nổi”, cụ Cát rưng rưng chia sẻ.
Cụ Hà cho biết với những gì đã trải nghiệm, cụ sẽ về nói với con cháu mình và thế hệ trẻ về sự tri ân và lòng biết ơn với những người đã sẵn sàng hy sinh bảo vệ đất nước. “Mình đã quay và chụp nhiều hình ảnh xúc động, sau khi về mình sẽ họp gia đình và họp bạn bè, kể về hành trình của mình để chia sẻ về tình yêu biển đảo”, cụ Hà cho biết.
Mang Trường Sa về đất liền
Trong đoàn công tác, một người trẻ đã gây xúc động lớn bằng những vần thơ viết về Trường Sa.
Đó là chị Đào Thị Hà My (30 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH NAMY (Đà Nẵng). Chị đã đoạt giải nhất cuộc thi “Sáng tác văn, thơ, ca khúc Trường Sa trong tôi” do T.Ư Đoàn phát động trên tàu. Trong bài thơ Đêm cuối ở Song Tử Tây, nữ “thi sĩ” đã lột tả được sự can trường của các chiến sĩ nơi đảo xa khi ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền. Giữa biển khơi bao la, họ trải qua những phiên gác đêm chỉ có con “đốm” (tên con chó – PV) làm bầu bạn và mùi hoa bàng vuông phảng phất trong gió biển. Dù có buồn nhưng họ vẫn vững vàng cầm chắc tay súng và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Trong hành trình ra đảo, chị đã sáng tác hàng chục bài thơ để tặng chiến sĩ. Mỗi khi lên đảo, chị đi đến từng phòng ở của các anh, đặt lên đầu giường mỗi người một món quà nho nhỏ, có thể là quyển sổ, cây bút hoặc cái móc khóa xinh xắn với những lời đề tặng rất xúc động như: “Quà xinh vượt sóng gió. Ra tới tận Trường Sa. Thương mong anh gắn bó. Vững vàng trước phong ba”; “Xin chào anh những người con đẹp nhất. Của biển khơi, của trời đất Việt Nam. Sắt ý chí như ánh sao quân hàm. Đẹp tâm hồn tựa màu lam của biển”…
“Mình mong muốn ra Trường Sa từ rất lâu rồi, bắt nguồn từ tình yêu biển đảo và sự cảm kích của mình với những anh lính biển, nhưng tình cảm đó mới chỉ là “lý luận”. Mình muốn trải nghiệm thực tế, để biến tình cảm thành hành động và có những dự án dành cho Trường Sa”, chị My cho biết.
Nữ “thi sĩ” cũng chia sẻ quê ở Nghệ An nhưng chị học và tốt nghiệp ĐH Đà Nẵng, rồi khởi nghiệp tại Đà Nẵng với công việc tổ chức sự kiện và một tiệm bán hoa tươi. Là người trẻ, chị muốn thể hiện tình cảm với Trường Sa bằng cách riêng của mình.
“Lĩnh vực kinh doanh của tôi có đối tác là những khách hàng trẻ, doanh nghiệp trẻ, những tiểu thương ít khi được tiếp xúc với các chương trình tuyên giáo về biển đảo. Vì vậy, tôi muốn trong sản phẩm của mình sẽ lồng ghép hình ảnh về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa, để từ đó mọi người sẽ hiểu biết hơn về biển đảo. Ví dụ, trên mỗi lẵng hoa gửi tới khách hàng sẽ gắn tên các đảo của quần đảo Trường Sa”, chị chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ gây quỹ vì Trường Sa và ra mắt những tác phẩm của mình để mang Trường Sa về đất liền.
Không chỉ là ý tưởng, ngay sau khi trở về từ Trường Sa, chị đã kết nối với các doanh nhân, doanh nghiệp để đồng hành cùng Vùng 3 Hải quân, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển như: nhận đỡ đầu con ngư dân mồ côi; tặng quà, trao học bổng cho con ngư dân khó khăn; thăm và tặng quà các đơn vị vũ trang đang làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu Tổ quốc… “Từ Trường Sa về, tôi đã thấy rõ hơn sứ mệnh của mình, không chỉ là phát triển kinh tế để đóng góp cho quê hương, mà phải thắp lên tình yêu đất nước cho những người xung quanh, bằng những hành động cụ thể”, chị My chia sẻ. (còn tiếp)
Hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh” nhận được sự đồng hành của Tập đoàn dầu khí VN (Petrovietnam).