Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại hội trường.
Trước khi tiến hành thảo luận, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH, Phó trưởng Đoàn giám sát của QH Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem video clip về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Bên cạnh đó, đại biểu có một số ý kiến sau:
Đối với việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19: Do dịch bệnh là chưa có tiền lệ nên có những vấn đề phát sinh mà pháp luật chưa quy định, các cơ quan cấp trên cũng chưa có các văn bản hướng dẫn kịp thời hoặc có nhưng sự hướng dẫn không thống nhất, nên việc giải quyết ở thời điểm hiện tại cũng phải đặt trong bối cảnh như thế để có hướng xử lý phù hợp.
Cụ thể, trong quá trình phòng, chống dịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ có nhiều văn bản hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí vận động, trong đó có cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp thì ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương (ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ là mua vắc-xin), sau khi hết dịch thì nộp số tiền còn lại về Quỹ vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 của Trung ương. Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã sử dụng kinh phí vận động ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch cấp bách tại địa phương, từng nội dung sử dụng, phân bổ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đều có báo cáo xin ý kiến và trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt. Tuy nhiên, kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì căn cứ theo hướng dẫn của Chính phủ, đã yêu cầu Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 Trung ương số tiền hơn 33 tỷ đồng (tức là 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch). Trong khi tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch, hiện chỉ còn khoảng 17 tỷ đồng, nên không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đề nghị Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng Chính phủ có biện pháp tháo gỡ.
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở: Hiện nay, mạng lưới y tế tuy được tổ chức đồng bộ, bao phủ rộng khắp từ tuyến xã, đến các ấp, khu phố nhưng hệ thống y tế cơ sở chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở đã xảy ra tình trạng quá tải. Nguyên nhân do thiếu nguồn nhân lực; trang thiết bị, cơ sở vật chất. Chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập, công sức lao động và môi trường, điều kiện làm việc… Ngoài ra, ở cơ sở, phương tiện thiết bị làm việc chưa tốt nên không có môi trường thuận lợi để nâng cao tay nghề và phát triển nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho y tế cơ sở cũng còn thiếu thốn, cũ kỹ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đại biểu kiến nghị Chính Phủ, Bộ Y tế cần nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền chế độ, chính sách để thu hút, giữ chân đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; tạo điều kiện để đội ngũ nhân lực y tế cơ sở được tham gia đào tạo nâng cao trình độ; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng: Khó khăn trong công tác đấu thầu thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng. Công tác đấu thầu mất rất nhiều thời gian, trên 6 tháng đối với đấu thầu tập trung cấp địa phương cũng như là cơ sở y tế tự đấu thầu; trên 18 tháng đối với đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Chính vì vậy, chương trình tiêm chủng tại địa phương không được cung cấp đầy đủ vắc-xin, đặc biệt là các loại vắc-xin sởi, viêm não Nhật Bản, bại liệt, bạch hầu – ho gà – uốn ván… ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng chung. Ngoài ra, nhân sự tham gia thực hiện đấu thầu tại các cơ sở y tế không có chuyên môn sâu, chưa có kinh nghiệm về đấu thầu, chỉ được tập huấn vài ngày, nên rất lúng túng khi có tình huống xảy ra. Trong khi các quy định của pháp luật về quản lý, đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, hoá chất, vật tư y tế còn nhiều bất cập. Tác động tiêu cực của các vụ việc sai phạm về công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhân viên y tế dẫn đến tiến độ chậm trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế có hướng tháo gỡ khó khăn này để tạo điệu kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở y tế và đáp ứng yêu cầu của người dân.
Tin, ảnh: Hồng Yến