(TTXVN) – Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 10-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo Ban soạn thảo, việc xây dựng dự án Luật Căn cước là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta…Để cụ thể hóa các chính sách trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.
Về bố cục, dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 điều, trong đó, sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều so với Luật Căn cước công dân năm 2014.
Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ vào chiều 5-6.
Dự án Luật gồm 13 chương, 195 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…