(BLC) – Chiều 12/7, Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ mười sáu, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND tỉnh thẳng thắn nêu lên những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công của UBND tỉnh, các cấp, ngành, cơ sở… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến mang tính gợi mở nhiều giải pháp. Phóng viên Báo LaiChau Online ghi lại một số ý kiến.
Cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn trước tình trạng thiếu giáo viên
Đại biểu Lý Anh Hừ – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Tè, Tổ Đại biểu huyện Mường Tè: Trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 nêu: số lượng giáo viên còn thiếu so với biên chế giao; việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên một số môn học mới như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Một thực tế đang diễn ra đó là không tuyển đủ giáo viên do không đủ nguồn tuyển. Trước đây, chỉ tiêu cần tuyển là 100 người nhưng hồ sơ dự tuyển lên đến 200-300 người. Còn hiện nay, chỉ tiêu cần tuyển là 100 người nhưng hồ sơ đăng ký chỉ có 60-70 người, do đó không có tính cạnh tranh, lựa chọn. Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra từ nhiều năm nay. Vậy cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Đồng thời, ở phần nhiệm vụ 6 tháng cuối năm xác định: tiếp tục tư vấn tuyển sinh đào tạo trung cấp, cao đẳng và liên kết đào tạo tại Trường Cao đẳng Cộng đồng. Đến nay, đã tuyển sinh được 95/511 chỉ tiêu đạt 17% kế hoạch; duy trì, đào tạo 29 lớp với 672 học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng; liên kết đào tạo 8 lớp với 390 học sinh. Vậy, ở đây là trung cấp nghề hay trung cấp chuyên môn? Nếu là trung cấp chuyên môn sau khi tốt nghiệp không có cấp nào tuyển dụng? Vậy, việc tiếp tục tư vấn tuyển sinh đào tạo trung cấp có còn phù hợp không?
Quan tâm, bố trí nguồn vốn trong năm 2023 cho dự án thuỷ lợi Cù Thàng
Đại biểu Đồng Thị Nghĩa – Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh: Tại Kỳ họp thứ mười hai, HĐND tỉnh khoá XV, Tổ Đại biểu huyện Than Uyên đã có nội dung chất vấn liên quan đến dự án thuỷ lợi Cù Thàng và được UBND tỉnh trả lời bằng văn bản.
Tuy nhiên, tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ mười sáu, HĐND tỉnh ngày 1/6/2023 tại xã Mường Kim (huyện Than Uyên) rất nhiều cử tri tiếp tục ý kiến về dự án thuỷ lợi Cù Thàng. Cụ thể: dự án đang triển khai tại sao năm 2023 UBND tỉnh không bố trí vốn để tiếp tục thực hiện dự án. Tổ đại biểu đã khảo sát và nhận thấy thực tế hiện nay đời sống của nhân dân các bản tái định cư rất khó khăn, không có nước sản xuất và sinh hoạt.
Do đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí vốn trong năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm bàn giao, đưa vào sử dụng dự án để nhân dân giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đề nghị UBND tỉnh sớm rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ để phân bổ thực hiện
Đại biểu Nguyễn Minh Hiệp – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Liên quan đến việc thực hiện tiểu dự án 1 của dự án 3 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) vùng dân tộc thiểu số có 213.926 tỷ đồng chưa được phân bổ, UBND tỉnh đã có văn bản gửi trung ương đề nghị điều chỉnh (hiện còn 69.370 tỷ đồng phân bổ năm 2022 chưa giải ngân được). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn trả lời các địa phương và nêu: Hiện nay, pháp luật về lâm nghiệp chưa có quy định chủ rừng đã được hưởng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng thì không được hưởng kinh phí bảo vệ rừng từ ngân sách nhà nước theo cơ chế chính sách bảo vệ phát triển rừng hiện hành. Việc phân bổ, quản lý sử dụng kinh phí thực hiện tiểu dự án 1 của dự án 3 yêu cầu địa phương thực hiện theo đúng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hỗ trợ theo đúng định mức cơ chế, chính sách, hiện hành, bảo đảm không trùng chéo và trùng lặp với các nguồn kinh phí.
Bộ Tài chính trả lời: Đề nghị địa phương bảo đảm khớp đúng về tổng mức, từng dự án, từng lĩnh vực chi. Đề nghị rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ để phân bổ thực hiện. Nếu không còn chỉ tiêu nhiệm vụ đề nghị trả lại ngân sách. Vấn đề ở đây là các địa phương không đăng ký và chưa thực hiện, chưa thực hiện thì làm sao thấy khó khăn, vướng mắc, việc vội vàng đề xuất điều chỉnh là chưa thực hiện hết trách nhiệm. Các tỉnh khác cũng tương đồng như Lai Châu thực hiện được. Đề nghị UBND tỉnh nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khẩn trương chỉ đạo thực hiện theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại Tờ trình số 310 ngày 23/6/2023 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh gửi Tỉnh uỷ có nêu: chờ Chính phủ sửa đổi Nghị định 27, ngày 24/6/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 sửa Nghị định 27, đề nghị UBND tỉnh sớm có biện pháp tháo gỡ.
Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh
Đại biểu Chang Phương Thảo – Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Qua khảo sát, giám sát chúng tôi nhận thấy cơ sở vật chất ở Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc (ĐTCNBB) tỉnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Và, dung lượng chứa của trung tâm chỉ được khoảng 200 – 250 người. Trong khi đó, toàn tỉnh có hồ sơ quản lý người nghiện khoảng 3.000 người và nghi nghiện trên 7.000 người (chưa kể đối tượng nghi nghiện ở ngoài cộng đồng).
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp để xác định tình trạng nghiện ở ngoài cộng đồng để lập hồ sơ quản lý, theo dõi. Đặc biệt, đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu cai nghiện tại Trung tâm ĐTCNBB tỉnh. Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì nhân lực làm việc tại trung tâm còn thiếu. Do đó, việc đưa số lượng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm để cai nghiện còn nhiều thách thức, chưa kể số lượng cai nghiện tự nguyện. Đề nghị, UBND tỉnh có hướng để tới đây tháo gỡ vấn đề này. Về lâu dài cần giao cho các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu thiết lập đề án xây dựng trung tâm cai nghiện đảm bảo đáp ứng nhu cầu cai nghiện.