Sáng 5-6, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh chủ trì thảo luận tại Tổ 13, gồm các đoàn ĐBQH tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Hậu Giang. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự thảo luận cùng Tổ 13.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành thảo luận Tổ 13, sáng 5-6.
Các đại biểu cơ bản tán thành cao với sự cần thiết của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), bởi sau 9 năm thi hành, Luật Nhà ở hiện hành đã tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề liên quan đến sở hữu, quản lý, sử dụng, phát triển nhà ở… giúp hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở tạo lập được chỗ ở hợp pháp, ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh – xã hội và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Nhà ở hiện hành đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở nhằm tạo hành lang pháp lý hữu hiệu trong lĩnh vực này.
Đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật. Nội dung đóng góp tập trung vào các quy định về: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục cải cải tạo chung cư; việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; quy định đối với người nước ngoài sở hữu nhà ở;… Nhiều ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; rà soát dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tránh trùng lặp với những quy định tại Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định trong các văn bản dưới luật đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Trong phiên thảo luận này, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có 3 đại biểu tham gia thảo luận, góp ý kiến vào nhiều nội dung của dự thảo Luật.