STO – Chiều ngày 19/6, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Võ Thanh Quang thông tin, sở đã trình UBND tỉnh dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Về giải ngân nguồn vốn Trung ương, năm 2022, với vốn đầu tư phát triển, đã giải ngân 11.915 triệu/16.205 triệu đồng (đạt 73,53% kế hoạch vốn). Vốn đầu tư sự nghiệp, đã giải ngân được 14.739 triệu/30.185 triệu đồng (đạt 48,83% kế hoạch vốn). Năm 2023, nguồn vốn Trung ương, đã giải ngân được 2.441 triệu/11.733 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (đạt 20,80% kế hoạch vốn). Vốn đầu tư sự nghiệp, đã giải ngân được 436 triệu/68.242 triệu đồng (đạt 0,64% kế hoạch vốn).
Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Ảnh: NGỌC HẢI
Đối với phần nguồn vốn đầu tư phát triển, do vướng về thủ tục chuyển nguồn sang năm 2023, nên một số nội dung của năm 2022 chưa thể giải ngân (dự kiến sẽ thực hiện hoàn tất trong tháng 7/2023). Đối với nguồn vốn thực hiện Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo năm 2023, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa có văn bản hướng dẫn nên địa phương chỉ triển khai vừa đúng định mức cho 1 đơn vị (xã Xuân Hòa).
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, nội dung kinh phí chiếm đa số kế hoạch vốn các năm 2022 và 2023 thuộc về các dự án hỗ trợ phát triển, hiện đang trình HĐND tỉnh ban hành văn bản quy định mức hỗ trợ.
Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc đánh giá cao công tác tham mưu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thực hiện chương trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp, nên cần đánh giá nguyên nhân, báo cáo chi tiết, cụ thể để giải quyết khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thực hiện văn bản của UBND tỉnh để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất 2 kiến nghị giữ nguồn vốn đầu tư phát triển xã Nhơn Mỹ hoặc là thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Xuân Hòa ở huyện Kế Sách. Rà soát, đánh giá hiệu quả các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, xem có cần thiết kiến nghị đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các điểm này.
Khi chọn mô hình thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp thì cần có sự phối hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương; chú trọng hiệu quả mô hình để nhân rộng, đáp ứng mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo.
NGỌC HẢI