Ngày 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Tại các điểm cầu có các Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; đại diện Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân…
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì tại điểm cầu Thành phố Hà Nội.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất
Báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (Luật số 28/2023/QH15). Đây là đạo luật với nhiều điểm mới, bước tiến lớn trong phương thức quản trị hiệu quả, bền vững tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; thay đổi tư duy, phương thức quản trị, quản lý tổng hợp, thống nhất, bằng công cụ kinh tế trên nền tảng công nghệ số và hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.
Tại điểm cầu TP Hà Nội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Sở Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực tiếp thu, tham mưu triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn thành phố; trong đó tập trung vào các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Đặc biệt, ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…
Sau khi Luật được ban hành, công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống sớm phát huy hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã chủ động xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành 2 đạo luật nêu trên. Trong đó, tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.
Về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, ngay sau khi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã khẩn trương cung cấp các điểm mới, những nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước để phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tài nguyên & Môi trường, các bộ, ngành và địa phương trong việc tuyền truyền, phổ biến Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước bằng nhiều hình thức phù hợp. Đặc biệt, ngày 06/3/2024, Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.
Về triển khai các đề án thí điểm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng 2 đề án thí điểm gồm: Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác (thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội) và Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ – Đáy…
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước.
Nhu cầu về nhà ở công nhân rất lớn
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hướng chính sách nhà ở xã hội thuê tại khoản 4 Điều 80. Đây là quy định mới liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi người lao động và trách nhiệm, vai trò tổ chức công đoàn, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới. Ngay sau khi Luật được thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của luật đến các cán bộ công đoàn chủ chốt, người lao động nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong hoạt động công đoàn cho vấn đề nhà ở của công nhân.
Đồng thời đã chỉ đạo xây dựng quy trình đầu tư xây dựng nhà theo quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật đầu tư, trong đó bám sát các nội dung mới của luật và dự thảo Nghị định của Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.
Chỉ đạo rà soát các địa phương giới thiệu địa điểm đất cho Tổng Liên đoàn để tiến hành khảo sát nhu cầu thuê nhà của công nhân. Từ khi Luật thông qua, đã triển khai ở 4 tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Tiền Giang, dự kiến quý II sẽ khảo sát tiếp ở 6 tỉnh. Sau khảo sát, sẽ triển khai công tác lập kế hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, công tác đầu tư…
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho hay, trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn TP Hải Phòng rất lớn. Theo Đề án xây dựng nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng được giao chỉ tiêu 33.500 căn nhà ở xã hội đến năm 2030…
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, Thành phố Hải Phòng đã chủ động gắn việc đầu tư nhà ở xã hội với việc phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời lựa chọn và bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội nhằm chủ động, linh hoạt phát triển nhà ở, trong đó ưu tiên khai thác tối đa quỹ đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị; tăng cường tuyên truyền về chủ trương của Nhà nước về nhà ở xã hội…
Cho rằng Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2024, Luật Đất đai 2024 được ban hành sẽ sớm tháo gỡ được những vướng mắc của Thành phố trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ tin tưởng, Đề án về Nhà ở xã hội và chỉ tiêu mà Thành phố Hải Phòng được giao sẽ được hoàn thành đúng tiến độ.