Kinhtedothi - Đồng tình với các giải pháp để đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tháo gỡ rào cản, điểm nghẽn về thể chế, hỗ trợ cho đầu tư tư nhân, giúp khu vực tư nhân phục hồi nhanh...
Chiều 14/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khoá XV, thảo luận tại tổ về Dự thảo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, các đại biểu đoàn Quốc hội bày tỏ sự nhất trí, ủng hộ rất cao với nội dung của Dự thảo.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là nhiệm chính trị hết sức quan trọng, chuẩn bị nền tảng bước vào kỷ nguyên cất cánh, vươn mình của dân tộc. Sau Đại hội XIV thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số, vì vậy năm 2025 phải thực hiện mục tăng trưởng đạt 8% để tạo đà, tiền đề phát triển.
Nêu rõ mục tiêu chung là thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, tăng cả tổng cung và tổng cầu tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải bảo đảm 3 mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh. Đây được coi là "xương sống" của mọi thời đại, mọi quốc gia.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phải dự báo trước tình hình, nhận diện rõ tình hình và có giải pháp ứng phó kịp thời trước những biến động... Cùng với đó, đặc biệt chú trọng tới vấn đề xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ vì sự phát triển và không hưởng lợi trực tiếp từ đối tượng phục vụ. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm cá nhân không chỉ người đứng đầu mà của từng cán bộ, công chức cũng như từng cá nhân, cơ quan, đơn vị.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, đại biểu TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt; đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng; sự cạnh tranh và nỗ lực phát triển của các địa phương là động lực tích cực. Đặc biệt, Việt Nam cần phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo phát triển bền vững, nhất là liên quan đến vấn đề dân số và lương tối thiểu.
Góp ý về các nhóm giải pháp của Chính phủ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là những giải pháp cơ bản, đồng bộ cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Để tạo thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đại biểu cho rằng, việc tạo lập niềm tin của thị trường là rất cần thiết. Khi doanh nghiệp, người dân có niềm tin vào thị trường họ sẽ đầu tư, mua sắm, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì thế, trong Dự thảo Đề án cần nghiên cứu bổ sung thêm một giải pháp phát triển toàn diện thị trường hàng hóa dịch vụ, vốn, khoa học công nghệ, bất động sản, lao động... mới có thể tạo ra xã hội mà ở đó, người dân, doanh nghiệp tin tưởng đầu tư.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên có nhiều thách thức. Bởi năm 2024 tăng 7,09% dựa trên nền 5,05% (năm 2023) là một bước dễ hơn, còn năm 2025 tăng trưởng 8% trên nền đã cao (7,09%) là rất khó...
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, bắt buộc phải dồn mọi sức lực vào, vượt qua khó khăn, thể hiện sự quyết tâm cao.
Đồng tình với các giải pháp đã được chỉ ra, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần tháo gỡ rào cản, tháo gỡ về thể chế, hỗ trợ cho đầu tư tư nhân, giúp khu vực tư nhân phục hồi nhanh. Về đầu tư công, phải đầu tư cho sản xuất, thúc đẩy tháo gỡ và phát triển về thị trường bất động sản. Về xuất khẩu, phải chú trọng đến cán cân thương mại...
Còn đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, để thực hiện được mục tiêu trên cần cần sự quyết tâm cao, giải pháp đột phá và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành và mỗi địa phương. Đặc biệt là phải tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn; nhận diện rõ những khó khăn thách thức để có giải pháp kịp thời. Cần “rõ người, rõ việc” trong phân công nhiệm vụ của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương và xác định lĩnh vực cần đẩy mạnh thời gian tới.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thao-go-rao-can-diem-nghen-de-dat-muc-tieu-tang-truong-8-tro-len.html
Bình luận (0)