Ngày 12/9, tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia Khu vực phía Nam với chủ đề “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719.
Nhiều vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em DTTS phía Nam
Phát biểu tại Hội thảo, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, thông tin: Dự án 8 thuộc Chương trình 1719 được triển khai nhằm nâng cao nhận thức; thay đổi định kiến; bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.
Sau 3 năm, Dự án đã triển khai đến 40 tỉnh, thành và tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Dự án đã tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Dự án cũng đã nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS và nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng.
Kết quả ban đầu là thấy rõ, tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi nói chung và ở khu vực phía Nam nói riêng vẫn đang gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hay thậm chí là còn phải bạo lực gia đình…
Đơn cử, tại xã Đak Nhau (Bù Đăng, Bình Phước), là địa phương có đồng bào DTTS, chiếm 48,8% dân số, trình độ dân trí không đồng đều. Hiện nay, vấn đề cấp thiết nổi bật của phụ nữ và trẻ em nơi đây là việc tiếp cận công nghệ thông tin.
Bà Doanh Thị Thoa – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đak Nhau cho biết: “Do địa bàn xã là vùng sâu, vùng xa nên một số nơi không có điện lưới, không có sóng hoặc sóng rất yếu, việc liên lạc với người dân rất khó. Cùng với đó, nhiều hộ gia đình không có điện thoại thông minh hoặc cả gia đình chỉ sử dụng chung 1 chiếc điện thoại, nên liên lạc không nhanh nhạy. Một số phụ nữ lớn tuổi ngại tìm tòi, học hỏi nên việc chọn lọc thông tin còn nhiều hạn chế”.
Hay như tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) vẫn xảy ra tình trạng học sinh bỏ học; trong đó, số học sinh nữ bỏ học lại chiếm tỷ lệ cao hơn. Nguyên nhân được đại diện nhà trường đưa ra là do phần lớn các em học sinh và cha mẹ học sinh chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc học, cùng với khoảng cách từ nhà tới trường xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn và định kiến giới khiến nhiều em còn rụt rè, nhút nhát không dám nói trước đám đông…
Cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
Theo bà Quách Kiều Mai – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc giai đoạn 1, nhưng việc thực hiện Dự án 8 tại khu vực phía Nam vẫn có nhiều khó thực hiện như: Mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí còn hạn chế; Mô hình sinh kế cho nạn nhân mua bán người qua rà soát tại một số địa phương không có đối tượng để triển khai/hoặc có ít; mô hình Tổ tiết kiệm vốn vay chưa thực hiện được do vướng quy định hiện hành trong Luật Các tổ chức tín dụng (2017).
Bên cạnh đó, một số xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 đang trong quá trình được hỗ trợ triển khai các hoạt động can thiệp từ Dự án 8 thì đã đạt nông thôn mới. Bởi vậy, phạm vi địa bàn và đối tượng thụ hưởng bị thu hẹp so với thiết kế ban đầu. Việc triển khai giải ngân ở các cấp hội vẫn còn lúng túng, vướng mắc dẫn đến quy trình lập, phê duyệt kế hoạch, dự toán ngân sách và tổ chức thực hiện hoạt động của Dự án còn chậm, muộn.
Bà Quách Kiều Mai cho biết, việc thực hiện công tác lồng ghép giới trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở một số địa phương, đơn vị đôi khi chưa được chú trọng thể hiện thông qua việc phối hợp triển khai, thực hiện Chương trình chưa phân tách đối tượng phụ nữ, trẻ em gái để ưu tiên đầu tư, triển khai thực hiện…
“Từ thực tế cho thấy, để giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS ngoài việc điều chỉnh về cơ chế, chính sách còn cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Có như vậy mới nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em DTTS về vai trò, vị thế và quyền bình đẳng giới trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập đất nước trong giai đoạn hiện nay”, bà Quách Kiều Mai nói.
Ts. Dương Hoàng Lộc – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cho rằng, muốn xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em, cần lưu tâm đến đặc trưng của từng tộc người, vì tộc người đa dạng. Đồng thời, chúng ta phải nâng cao vai trò của người phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình, qua đó nâng cao đời sống gia đình của họ.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã trình bày nhiều tham luận đồng thời chia sẻ, góp ý các nội dung, giải pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em DTTS. Những ý kiến này được tổng hợp làm cơ sở đề xuất lên Ban Điều hành Dự án 8, để có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho phụ nữ, trẻ em DTTS và miền núi trong thời gian tới.
Nguồn: https://baodantoc.vn/thao-go-nhung-van-de-xa-hoi-cap-thiet-doi-voi-phu-nu-tre-em-vung-dtts-va-mien-nui-phia-nam-1726154685769.htm