Sáng 14/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy chủ trì hội nghị chuyên đề về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân các nguồn vốn thực hiện các tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021 – 2023, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai các tiểu dự án phát triển GDNN thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững, CCTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Các đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện 2 CTMTQG; lồng ghép các hoạt động chuyên môn với tiểu dự án thành phần thuộc các CTMTQG, tích cực tham mưu có các giải pháp quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên, công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện các tiểu dự án phát triển GDNN còn nhiều khó khăn; các địa phương không giải ngân được nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề; chưa thực hiện việc xây dựng mô hình liên kết đào tạo giữa trung tâm với doanh nghiệp và người lao động; công tác tuyển sinh học viên học sơ cấp nghề không đạt kế hoạch…
Đối với CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022, tổng số vốn được giao 20 tỷ 012 triệu đồng, giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, 10 huyện, Thành phố thực hiện. Kết quả, đã giải ngân 3 tỷ 895 triệu đồng, đạt 19,46% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2023, tổng số vốn giao 82 tỷ 178 triệu đồng, tổng vốn thực hiện 98 tỷ 427 triệu đồng (cộng chuyển nguồn từ năm 2022 sang), đã giải ngân 1 tỷ 547 triệu đồng, đạt 1,57% kế hoạch.
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, năm 2022, tổng số vốn được giao 42 tỷ 750 triệu đồng, giao cho 10 huyện, Thành phố, Trường Trung cấp nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện, đã giải ngân 9 tỷ 930 triệu đồng, đạt 23,23% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2023, tổng số vốn được giao 49 tỷ 928 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư 18 tỷ 086 triệu đồng, vốn sự nghiệp 31 tỷ 842 triệu đồng. Đến nay, số kinh phí chưa giải ngân 176 tỷ 536 triệu đồng, số kinh phí dự kiến thực hiện 6 tháng cuối năm 103 tỷ 080 triệu đồng, số kinh phí dự kiến các huyện không giải ngân được 73 tỷ 456 triệu đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện, Thành phố, các đơn vị thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân những tồn tại, hạn chế; giải pháp trong thời gian tới; kiến nghị, đề xuất thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các CTMTQG. Tiếp thu những ý kiến của các địa phương, đơn vị, các cơ quan chức năng trao đổi, giải thích, đưa ra phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện các tiểu dự án phát triển GDNN thuộc các CTMTQG trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy đề nghị các cơ quan, đơn vị vào cuộc tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phát triển GDNN, nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, định hướng cho người lao động về công tác đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm nghèo. Rà soát lại danh mục nghề và mức chi phí đào tạo đang thực hiện để bổ sung một số nghề mà người lao động và thị trường lao động có nhu cầu đào tạo; trên cơ sở nhu cầu của người học, tìm giải pháp thuê giáo viên của các đơn vị trong tỉnh, thu hút giáo viên từ các tỉnh khác; thực hiện xây dựng mô hình liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động, để sau đào tạo lao động vào làm việc tại doanh nghiệp; xây dựng mô hình liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động và doanh nghiệp; thực hiện hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, căn cứ vào định mức, đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật… thực hiện điều chuyển hợp lý kinh phí các nội dung trong các tiểu dự án thành phần thuộc 2 CTMTQG, quyết tâm thực hiện giải ngân nguồn vốn ở mức cao nhất.
An Lê