Công nhân sơ chế trứng gà của công ty TNHH QL Việt Nam. (ảnh minh họa)
Tại hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương do Bộ Công Thương tổ chức sáng 18.4, ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, trong quý I, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng, kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng; thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ, như ô tô và các sản phẩm thông thường như may mặc, giày dép… Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương báo cáo khó khăn chủ yếu, như: Nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận, thị trường đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, số doanh nghiệp giải thể tăng, sản xuất điện gặp khó khăn. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thông tin thị trường hàng hoá xuất khẩu, xúc tiến thương mại, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển.
Đồng thời, Bộ tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bảo đảm khả thi, phù hợp với các FTA đã ký kết. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hoá trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm; khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hoá nền kinh tế, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương quan tâm triển khai một số giải pháp như:
Đẩy mạnh công tác truyền thông để hệ thống chính trị, người dân hiểu được bối cảnh, tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới tác động rất nhanh đến kinh tế trong nước, để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương, kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch Thành phố làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai các dự án lớn.
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án tạo cú huých về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động địa phương. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi chức trách, nhiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực Công Thương.
Các địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển. Quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Đề án xuất khẩu chính ngạch (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) để khai mở và tận dụng các thị trường cho hàng hoá của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông thuỷ sản.
Công nhân chế biến hạt điều xuất khẩu. (ảnh minh họa)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hoá trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hoá thiết yếu. Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước thông qua kết nối giữa các cơ quan của Bộ Công Thương, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Minh Dương