(GLO)- Sáng 30-5, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị gặp mặt các HTX thành viên năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế tham dự và chỉ đạo tại hội nghị. Tại đây, đại diện các HTX đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc và đề nghị được nhanh chóng tháo gỡ, tạo điều kiện để các HTX hoạt động hiệu quả.
Tích cực hỗ trợ HTX phát triển
Tính đến ngày 15-5-2023, toàn tỉnh có 411 HTX, 2 liên hiệp HTX với tổng vốn điều lệ trên 870 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của hơn 18 ngàn thành viên, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.800 lao động tại địa phương. Trong đó có 329 HTX nông nghiệp (chiếm 80%) với hơn 10.000 thành viên; 16 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp với 445 thành viên; 37 HTX giao thông-vận tải với hơn 460 thành viên; 10 HTX xây dựng với 73 thành viên; 13 HTX thương mại với gần 100 thành viên; 6 quỹ tín dụng nhân dân với gần 7.300 thành viên.
Những năm qua, sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, địa phương đã giúp hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, đưa kinh tế tập thể ngày càng phát triển. Một số HTX đã chủ động gắn sản xuất với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, có 8 sản phẩm của 4 HTX được chứng nhận OCOP 4 sao và 24 sản phẩm của 15 HTX được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Hà Duy |
Với vai trò kết nối và hướng dẫn, từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ HTX; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể cho các HTX thành viên; đăng ký cho 4 HTX tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Phiên chợ sản phẩm HTX lần thứ I tại Đà Nẵng.
Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ thông tin, thủ tục cần thiết cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập mới HTX và phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX, liên hiệp HTX. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh đã hướng dẫn các HTX trên địa bàn về thủ tục, hồ sơ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam. Tính đến nay, Quỹ đã hỗ trợ vay cho 4 HTX vay với tổng kinh phí 11,1 tỷ đồng để đầu tư mua sắm phương tiện vận tải, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các HTX vẫn còn những hạn chế nhất định. Tại hội nghị, ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh-thừa nhận: “Kinh tế tập thể vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu nhiệm vụ cũng như thực tế của địa phương. Phong trào kinh tế tập thể, HTX chưa có chuyển biến mang tính đột phá, còn nhiều hạn chế. Trong 5 tháng đầu năm 2023, việc vận động thành viên và người lao động tham gia HTX chưa nhiều. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp còn ít, nội dung hạn chế. Bên cạnh đó, phương thức hoạt động kinh doanh của một số HTX chưa phù hợp và chưa theo kịp với sự phát triển chung của thị trường. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế, chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn”.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Từ thực tế hoạt động, đại diện các HTX đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của các HTX như: chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi; thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nhưng không có tài sản thế chấp để vay; vướng mắc trong vấn đề thuê đất; vấn đề xây dựng mã vùng trồng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường… Trong đó, việc khó tiếp cận vốn được các HTX đề cập nhiều nhất.
Ông Nguyễn Văn Cường-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HTX Tinh dầu bạc hà Tây Bắc-Gia Lai (huyện Chư Prông) cho rằng, nếu không tiếp cận được nguồn vốn, các HTX sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. “Với đặc thù là địa phương có số lượng người dân tộc thiểu số nhiều, tôi đề nghị có chính sách cho các HTX tại Gia Lai được vay tín chấp tại các ngân hàng. Do đa số HTX không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay để kinh doanh”-ông Cường kiến nghị.
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) tham gia hội chợ tại Lào (ảnh Sở Công thương cung cấp). |
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết: “Việc cho vay không có tài sản bảo đảm có thể được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật. Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cho vay không có tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; cho vay tối đa 2 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về phía HTX cần chứng minh năng lực tài chính, hoạt động, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, minh bạch các báo cáo tài chính… để tăng khả năng tiếp cận vốn vay không có tài sản đảm bảo với lãi suất phù hợp từ các tổ chức tín dụng”.
Vấn đề đào tạo kiến thức giúp nâng cao trình độ cho cán bộ và thành viên HTX cũng được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị. Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (huyện Chư Prông) cho rằng: “Công tác đào tạo kiến thức giúp nâng cao trình độ cho cán bộ và thành viên HTX còn quá khiêm tốn. Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh chỉ tổ chức 2 lớp tập huấn với 80 học viên, trong khi Liên minh có gần 200 HTX thành viên. Tôi đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ, giao thêm kinh phí cho công tác đào tạo”.
Còn ông Trịnh Xuân Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang (huyện Kông Chro) đề cập đến việc xây dựng mã vùng trồng để nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm của HTX: “Hợp tác xã chúng tôi chuyên trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là cây nhãn. Nhưng vùng nguyên liệu của chúng tôi còn khá nhỏ lẻ, chưa tập trung. Tôi mong địa phương hỗ trợ để có thể xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn hơn, tập trung hơn. Đồng thời, sản phẩm của HTX hiện đang phục vụ thị trường trong nước, nhưng chúng tôi đang hướng đến xuất khẩu quả nhãn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng, thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm để có thể vươn ra thị trường thế giới”.
Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (huyện Chư Prông) phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Hà Duy |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho hay: “Sở triển khai hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thuộc Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030”. Sở cũng đã có Thông báo số 02/TB-SKHCN ngày 31-1-2023 gửi các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc triển khai hỗ trợ kinh phí đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Việc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ được thực hiện thường xuyên. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí gửi về Sở. Các tổ chức, cá nhân có thể gửi nhiều đề xuất hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét, lựa chọn trên nhu cầu thực tế và đúng theo quy định hiện hành”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nhấn mạnh: “Hoạt động của HTX cũng giống như một doanh nghiệp. Thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để HTX phát triển như: cơ chế hỗ trợ kinh phí cho cán bộ HTX đi đào tạo, học tập; hỗ trợ cho trí thức trẻ về làm việc tại HTX, được trả lương từ nguồn ngân sách… Qua ý kiến tham gia của các HTX liên quan đến vấn đề vay vốn, tôi thấy hiện có rất nhiều chương trình cho vay, như cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ mới thoát nghèo…, mỗi hộ được hỗ trợ vay tối đa 100 triệu đồng và không phải thế chấp. Đề nghị các HTX vận động thành viên vay vốn như vậy để có nguồn vốn hoạt động. Để phát triển, bản thân các HTX, nhất là người đứng đầu cần nâng cao trình độ, năng lực quản trị, phải chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận cách quản lý mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các HTX trong quá trình hoạt động cần mạnh dạn và thường xuyên kết nối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết; Liên minh HTX tỉnh tổng hợp tất cả ý kiến, kiến nghị của thành viên chuyển cho các sở, ngành liên quan để nhanh chóng tháo gỡ. Các HTX thành viên cần đồng thuận, đoàn kết, minh bạch trong phương án sản xuất kinh doanh, chia sẻ rủi ro với nhau để cùng phát triển.
Đối với ý kiến mở cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Liên minh HTX tỉnh có ý kiến với UBND TP. Pleiku chọn địa điểm để các đơn vị có nhu cầu tham gia trưng bày, góp phần quảng bá thương hiệu cũng như giúp các HTX trao đổi, mua bán sản phẩm thuận lợi hơn.