Mổ xẻ nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế thấp

Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phân tích, mổ xẻ rất sâu về các nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng không đạt như mong muốn. Theo đó, từ cuối năm 2022, tình hình thế giới đã rất phức tạp, khó khăn. Trong nước cũng vậy. Nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Do vậy, hệ thống pháp luật của chúng ta cũng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, dẫn tới có sự mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột hay chưa đồng bộ, chưa đầy đủ. Điều đó là bình thường. “Quan trọng là chúng ta phải phát hiện và điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tiễn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bên cạnh đó, năng lực chống chịu, thích ứng và đối phó trước các biến động bên ngoài cũng như năng lực cạnh tranh của nước ta đang còn hạn chế khi độ mở của nền kinh tế rất cao. Hậu quả của dịch Covid-19 để lại hết sức nặng nề, các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phải gồng mình chống chịu trong thời gian qua, năng lực đã bị bào mòn đáng kể, nay lại chịu tác động bởi nhiều yếu tố mới làm cho khó khăn lại càng khó khăn hơn. Quy mô nền kinh tế của chúng ta đã không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây, các hoạt động kinh tế, các thị trường phát triển nhanh, đa dạng và liên kết chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng, tác động đến nhau nhiều hơn. Một số bộ phận cán bộ đang còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công vụ. Đó là những nguyên nhân cơ bản khiến kinh tế nước ta tăng trưởng không đạt mục tiêu trong quý I-2023.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù chưa đạt mục tiêu như Quốc hội đã giao nhưng với kết quả tăng trưởng của quý I, 3,32% cũng là một kết quả tích cực so với các nước hiện nay trên thế giới tăng trưởng rất thấp hoặc có tăng trưởng âm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ví dụ chứng minh: Mỹ chỉ tăng trưởng 1,1%; EU 1,3%; Nhật Bản 1,3%; Thái Lan 2,7%. “Cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục đánh giá tích cực môi trường đầu tư của chúng ta và triển vọng kinh tế của Việt Nam. Quan trọng hơn cả là chúng ta vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, nhất là thị trường dịch vụ và du lịch phục hồi rất mạnh, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được quan tâm và giữ vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ đã cơ bản nhận diện được những khó khăn, thách thức mà nước ta sẽ phải đối mặt từ nay đến cuối năm. Chính phủ đã, đang xử lý và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông được điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, tận dụng cơ hội mới để phát triển đạt được mục tiêu cao nhất của năm 2023 mà Quốc hội đã giao.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cao su 75. 


Hành động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt mục tiêu cả năm và mục tiêu toàn khóa. Trong đó, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh là việc cần làm ngay nhằm góp phần thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng nêu trên.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần tập trung vào 3 vấn đề: Thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, môi trường đầu tư. Chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp nước ta còn cao. Khó khăn của doanh nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp đến lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Đây là vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa điều kiện cho vay; giảm thuế, phí, lệ phí; xúc tiến mở rộng thị trường… “Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có biện pháp, chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người lao động nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải thích, mọi giải pháp, liều lượng chính sách và thời điểm đều được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng. Tất cả đều hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Nhu cầu giảm lãi suất luôn là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn. Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm, chỉ đạo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng mong muốn và quan tâm tới điều đó. Tuy nhiên, điều hành lãi suất phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để bảo đảm được đại cục về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ; bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Cho rằng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19, không đủ điều kiện vay vốn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần có giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn, có thể thông qua các chính sách như bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt kết quả thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp (về thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra… – PV) và tổ chức tín dụng khó có thể đánh giá thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng, cho giảm thuế giá trị gia tăng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bỏ cụm từ “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai.

Liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn đầu ra, tình trạng doanh nghiệp không có đơn hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian. Doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan cần hướng đến khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm cầu ở thị trường nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm quy định thì hoàn thiện dần. Vấn đề hiện nay là cần “hành động, hành động và hành động hướng đến doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, doanh nghiệp có phát triển thì mới giải quyết được việc làm, kinh tế tăng trưởng”.

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG