Điểm nghẽn trong hoạt động logistics
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – nhận định, hoạt động logistics tại TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL nói chung còn mới trong giai đoạn đầu của phát triển, chưa phát huy đầy đủ vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nhất là hoạt động kinh doanh sản phẩm nông nghiệp – thế mạnh của vùng.
Điển hình, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vận quốc tế.
Hiện nay, vẫn còn các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang và các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị quan trọng đang được triển khai đầu tư xây dựng; Phần lớn các cảng, bến thủy nội địa có quy mô vừa và nhỏ; Cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả; Chưa xây dựng được trung tâm logistics cảng biển, hàng không cấp vùng.
Đồng thời, tỉ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến nay chỉ đạt khoảng 1% nhu cầu đi lại của người dân; ùn tắc giao thông chưa được khắc phục tại một số trục đường chính và các nút giao thông trọng điểm.
Đặc biệt, việc kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối TP Cần Thơ với vùng và quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics còn cao, chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm (tỉ lệ này là 15% ở các quốc gia khác).
TP Cần Thơ đã xác định kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Phát triển Cần Thơ thành trung tâm logistics vùng
Theo ông Trần Việt Trường, hiện TP Cần Thơ đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết các khó khăn về hoạt động logistics. Đặc biệt, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng ĐBSCL, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Về quy hoạch, xác định TP Cần Thơ có ít nhất 3 khu vực phát triển logistics phục vụ chung cho vùng ĐBSCL, gồm: Trung tâm logistics hạng II gắn với Cảng Cái cui; Cụm cảng và logistics hậu cảng, khu công nghiệp Thốt Nốt; Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Đặc biệt, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Cụ thể, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Cần Thơ. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác các trục đường bộ cao tốc qua địa bàn TP Cần Thơ. Tất cả các tuyến đường thủy nội địa cấp quốc gia và cấp thành phố được bảo trì nạo vét luồng thường xuyên, cắm mốc hành lang bảo vệ luồng.
Xây dựng khu bến Cảng Cần Thơ trở thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối của khu vực (loại I) để từng bước triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL (nhóm 6).
Hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ để thực hiện các bước tiếp theo triển khai đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng một số bến khách, đỗ bãi xe; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS).
Ông Trường cũng thông tin, hiện TP Cần Thơ đang phối hợp với Bộ NNPTNT hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, quy mô khoảng 250ha.
Thống nhất chủ trương xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ. Sau khi được khơi thông, tổng lượng hàng hóa tổng hợp sẽ đạt 20 – 21 triệu tấn/năm và 400 – 500 nghìn container/năm.