Khai mạc sáng 21/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ diễn ra đến ngày 30/11. Kỳ họp cuối năm này được xem là kỳ họp dài nhất của khóa XV, tính đến thời điểm này với nhiều nội dung quan trọng.
1.Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp là việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận. Trong đó, Quốc hội xem xét, thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Được xem là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn với các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm – đây cũng là cách chúng ta cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội đã nhắc đến tư duy làm luật với nhiều “từ khóa” quan trọng như: Luật cần ngắn gọn, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực.
Trong phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận xét rất thẳng thắn: thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Ông cũng cho rằng, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân. Cũng từ đây, Tổng Bí thư yêu cầu: “Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”. Tất nhiên yêu cầu ấy là yêu cầu tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, bao gồm nhiều vấn đề nhưng xây dựng luật là một trong những vấn đề quan trọng nhất của bức tranh thể chế còn không ít hạn chế ở ta.
2.Cũng tại phiên khai mạc, khi báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm của cơ quan hành pháp trong việc triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội. Nhấn mạnh lại phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, tình hình kinh tế – xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%).
Từ những quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ; từ định hướng chiến lược và sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm chúng ta tin tưởng, chờ đợi sự vươn mình của dân tộc trong một kỷ nguyên mới.
3.Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV. Đây là nội dung giám sát thường xuyên, liên tục, kỳ họp nào cũng có và kỳ họp nào cũng nhận được nhiều quan tâm của Đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giáo dục, đào tạo. Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Trưởng Ban Dân nguyện nhận thấy, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời trước thời hạn, chất lượng giải quyết, trả lời ngày càng được nâng lên.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề trong năm 2025 như: Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV mới đang đi ở chặng đầu tiên trong chương trình nghị sự nhưng chúng ta thấy rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội từ chỉ đạo cho đến thực thi, mục tiêu là đoàn kết một lòng, khơi dậy sức mạnh dân tộc cùng nhau đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn: https://daidoanket.vn/thao-go-diem-nghen-khoi-thong-nguon-luc-10293672.html