Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ khẳng định vị thế, gia tăng thanh khoản, chất lượng dòng vốn đầu tư theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Đây cũng là điều kiện, cú hích giúp cải thiện tín nhiệm xếp hạng quốc gia.
Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, UBCK Nhà nước tổ chức ngày 2.7. Ảnh: Phan Anh
Cơ hội lớn để bước lên một nền cao mới
Phát biểu tại Hội thảo ” Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, UBCK Nhà nước tổ chức ngày 2.7, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cho biết, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế. Việc nâng hạng thị trường luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Khi nâng hạng thành công sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBCK Nhà nước, nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Đồng thời, việc này sẽ là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia. Đây sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng TTCK Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.
Số liệu ước tính mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng lên nhóm các TTCK mới nổi, sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho tới năm 2030. Trước triển vọng trên, doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ hưởng lợi lớn. Bà Trần Khánh Hiền – Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB – chỉ ra lợi ích lớn, bao gồm gia tăng số lượng và chất lượng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư; gia tăng cơ hội thành công trong các hoạt động tăng vốn, IPO, tìm kiếm đối tác chiến lược…
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Phan Anh
Gỡ vướng ký quỹ trước giao dịch
Vướng mắc lớn nhất để FTSE Russell ra quyết định nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại. Giải pháp cho các yêu cầu này là áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Tuy nhiên, để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP dự kiến sẽ mất thêm một khoảng thời gian do sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định có liên quan, bao gồm cả các quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng lưu ký. Do vậy, trước mắt, Bộ Tài Chính và UBCK Nhà nước đã đưa ra giải pháp trong đó các công ty chứng khoán (CTCK) sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (Non-Prefunding Solution).
Xét theo khía cạnh từ CTCK thành viên, ông Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các CTCK trên thị trường. Thứ nhất, các CTCK cần bổ sung nguồn lực về vốn. Thứ hai, hệ thống quản trị rủi ro của các CTCK phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động, đặc biệt là khi triển khai giải pháp NPS hay xét về dài hạn hơn khi các sản phẩm giao dịch trong ngày hay bán khống được vận hành. Thứ ba, phát triển đồng bộ hệ thống vận hành và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tới nhà đầu tư nước ngoài. Cuối cùng, các CTCK sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh.
PGS.TS Trần Việt Dũng – Học viện Ngân hàng – nhấn mạnh về việc cần tăng cường việc giám sát tuân thủ và nâng cao năng lực đánh giá. Cân nhắc việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN và tăng cường liên kết trao đổi thông tin quốc tế, đảm bảo đúng tiến độ áp dụng chuẩn mực IFRS. Song song với đó là tăng cường các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, tích cực hoàn thiện cơ chế quản trị công ty tại các doanh nghiệp niêm yết.
Cũng tại Hội thảo, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước – đã cập nhật tiến độ việc sửa đổi Thông tư liên quan đến các quy định giao dịch, hoạt động CTCK. Theo đó, dự thảo đầu tiên của Thông tư này đã được Bộ Tài Chính hoàn thành trên website của Bộ Tài chính vào tháng 3.2024. Ủy ban đã tổ chức họp với các cơ quan liên quan và các thành phần thị trường qua các cuộc họp thảo luận để đưa ra các giải pháp.
Ông Hải cho hay: “Chúng tôi tin tưởng các giải pháp đưa ra sẽ khả thi và hiện đã hoàn thành 90%. Hiện Ủy ban đã có dự thảo cuối cùng của Thông tư này và trình Bộ Tài chính. Sau khi Bộ Tài chính có kết luận thì sẽ sớm đăng tải lên website. Với Thông tư yêu cầu nhà đầu tư phải có tiền vào ngày giao dịch T+1, hiện dự thảo mới đã sửa đổi thành yêu cầu nhà đầu tư khoảng 9h – 9h30 của ngày T+2 phải có tiền trong tài khoản. Điểm này về cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc tế. Ủy ban đã trao đổi với các nhà đầu tư lớn, các đơn vị quốc tế thì những thông tin ban đầu được biết về cơ bản những giải pháp đưa ra đều có thể thực hiện được”.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao ý nghĩa của chương trình trong mục tiêu nâng hạng TTCK. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài Chính sẵn sàng giữ vai trò tiên phong để thực hiện quá trình này.
UBCKNN, doanh nghiệp niêm yết các đơn vị truyền thông… tất cả đều phải cùng đi, hướng tới nâng hạng TTCK trong thời gian sớm nhất.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, hội thảo này đối với Bộ Tài chính và UBCKNN có ý nghĩa hết sức quan trọng, để cùng nhau đặt ra các vấn đề, thảo luận vấn đề và đưa ra các giải pháp hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Đinh Minh Trí – Trưởng phòng Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam). Ảnh: MAS
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi, phát triển. Đối với MSCI, tổ chức này đã nâng hạng Hàn Quốc lên thị trường mới nổi vào năm 1992. FTSE đã nâng hạng Hàn Quốc từ thị trường mới nổi lên phát triển vào năm 2009. Ông Đinh Minh Trí – Trưởng phòng Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đưa ra một số khuyến nghị tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong quá trình nâng hạng.
Trong đó bao gồm cải thiện tính minh bạch và công bố thông tin, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm tài chính đa dạng, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường ngoại hối, chính sách giám sát và điều chỉnh linh hoạt.
Ngoài ra, ông Trí cho rằng Việt Nam có thể hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán khi nhìn sang Hàn Quốc, hầu hết các công ty chứng khoán lớn tại Hàn Quốc đã triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot để cải thiện dịch vụ khách hàng và hỗ trợ giao dịch tự động. Nhiều công ty đã sử dụng hệ thống giao dịch tự động để tối ưu hóa các lệnh giao dịch và quản lý rủi ro. Hệ thống này sử dụng AI để phân tích dữ liệu thị trường và thực hiện các giao dịch tự động dựa trên các thuật toán định trước. Đồng thời đảm bảo rằng thông tin tài chính được công bố bằng tiếng Anh và dễ dàng tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ giúp thu hút thêm vốn đầu tư quốc tế và nâng cao uy tín của thị trường.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/thao-go-diem-nghen-huong-toi-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-vao-nam-2025-1360938.ldo