Tham dự cuộc họp, về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía TP.HCM, có ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT; cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của TP.HCM…
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh chúc mừng những thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM trong thời gian qua; đặc biệt là thành phố đã vượt qua và chiến thắng đại dịch Covid -19, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đây chính là cơ hội để thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tinh thần làm việc của Bộ TN&MT là luôn hướng về địa phương, cơ sở, xuống địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Vì vậy, tham dự cuộc làm việc với UBND TP.HCM hôm nay có đầy đủ lãnh đạo các đơn vị chủ chốt của Bộ TN&MT; tất cả cùng nhau tập trung trao đổi, chia sẻ, giải đáp từng nội dung kiến nghị cụ thể của TP.HCM, giúp thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện đang gặp phải, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn TP.HCM.
Tiếp lời Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của cá nhân đồng chí Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo Bộ TN&MT và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT dành cho TP.HCM. Với tinh thần cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hầu hết các cơ quan của Bộ TN&MT đã vào làm việc với TP.HCM; đây chính là sự động viên to lớn cho TP.HCM.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT đã báo cáo cụ thể những nội dung kiến nghị trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, TP.HCM có 19 kiến nghị gửi Bộ TN&MT, gồm 16 nội dung lĩnh vực đất đai, 3 lĩnh vực môi trường, gồm: Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Công tác quản lý đất tôn giáo, tín ngưỡng; Phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa; Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa; Việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung của các dự án nhà ở thương mại; Vấn đề sử dụng đất của các đơn vị hành chính công lập tự chủ; Vấn đề vận hành, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; Vấn đề bộ máy tổ chức của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai…
Về lĩnh vực môi trường, TP.HCM đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn quy định cấp giấy phép bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đối với những dự án đầu tư công; kiến nghị cho phép Thành phố có chế tài ngắt điện, nước đối với công đoạn phát sinh ô nhiễm của doanh nghiệp vi phạm; sử dụng hình ảnh camera giám sát để làm căn cứ xử lý các vi phạm về môi trường… Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo các đơn vị: Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Vụ Đất đai; Tổng cục KTTV; Cục Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu tài nguyên, môi trường; Cục Quản lý Tài nguyên nước; Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH)…đã tập trung trao đổi, thảo luận, giải đáp, làm rõ những nội dung vướng mắc, kiến nghị của TP.HCM.
Tiếp sau ý kiến của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết Quốc hội mới ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù, với 10 nội dung liên quan đến lĩnh vực TN&MT, trong đó có 3 vấn đề thuộc lĩnh vực môi trường. Đây là cơ hội để TP.HCM tăng tốc phát triển, giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng lưu ý, TP.HCM cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế – Xã hội và Môi trường. Vì vậy, Thành phố cần sớm triển khai một chuyên đề chuyên sâu, tổng thể và toàn diện về công tác bảo vệ môi trường.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị TP.HCM cần duy trì, đảm bảo chất lượng môi trường nước lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai; giữ gìn hệ thống kênh, rạch nhằm đảm bảo quy luật tự nhiên của một đô thị đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng, triều cường… Đồng thời, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà xây dựng máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung để nâng tỷ lệ xử lý nước thải đô thị; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sang công nghệ đốt rác phát điện; bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ…
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và các Sở, ngành của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã lắng nghe, giải đáp cụ thể các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất, đồng thời gợi mở nhiều nội dung quan trọng cho thành phố trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác quản lý nhà nước về TN&MT, bởi đây là lĩnh vực bao trùm lên mọi hoạt động kinh tế – xã hội của thành phố. Trong thời gian qua, TP.HCM đã luôn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp kịp thời, hiệu quả của Bộ TN&MT, giúp tháo gỡ cho thành phố nhiều vấn đề quan trọng trong công tác quản lý TN&MT.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ghi nhận và tiếp thu ngay những góp ý, kiến nghị của các thành viên Đoàn công tác Bộ TN&MT. Theo đó, Thành phố sẽ thực hiện ngay việc cập nhập, rà soát điều chỉnh quy hoạch chung thành phố gắn với nhiệm vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; xử lý ngay ô nhiễm về nước tại khu xử lý rác thải tập trung Tây Bắc; ban hành kế hoạch về giảm rác thải…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian tới TP.HCM sẽ cơ bản chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác phát điện; đến năm 2026 sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên 67%. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ ban hành và thực hiện có hiệu quả chiến lược, kế hoạch về chuyển đổi xanh, phát triển xanh gồm các vấn đề chuyển đổi năng lượng, môi trường, kinh tế tuần hoàn, vấn đề tái sử dụng, tái chế rác thải… Ngay trong tháng 9/2023, TP.HCM sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế có chủ đề phát triển xanh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định Bộ TN&MT luôn đồng hành; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực TN&MT cho TP.HCM; đồng thời, đưa ra những quyết sách đúng đắn, tạo động lực cho TP.HCM phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò là đầu tầu kinh tế của cả nước.
Trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra phức tạp như hiện nay, đặc biệt là sau cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 với quyết tâm sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Sở TN&MT phải tham mưu mạnh mẽ hơn nữa cho Lãnh đạo TP.HCM trong việc xác định trụ cột của phát triển bền vững là chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp…
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, TP.HCM cần phải quản lý tốt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo Nhà nước sẽ tiếp nhận được nguồn lực từ tài nguyên đất đai mang lại. Ngoài ra, trong quy hoạch xây dựng cần quan tâm tới mục đích sử dụng đất hiệu quả, chú trọng các công trình thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường; có tầm nhìn chiến lược về quản lý tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học…
Đối với vấn đề xử lý nước thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị TP.HCM lưu ý khi phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị mới yêu cầu phải có khu xử lý nước thải tập trung. Đối với việc xử lý rác thải, bên cạnh thực hiện các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, TP.HCM cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác hiện đại, công nghệ tiên tiến, tuyên truyền sâu rộng việc phân loại rác tại nguồn…
Trong bối cảnh TP.HCM đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã có quy định một số điều để Thành phố thích ứng với vấn đề này, trong đó có việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng 100%. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Cục Biến đổi khí hậu sẽ hướng dẫn, đồng hành với TP.HCM để xây dựng các cơ sở pháp lý nhằm sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon phục vụ cho các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, sau khi Việt Nam thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), hiện nay có rất nhiều nguồn vốn tài chính xanh của các đối tác quốc tế, Bộ TN&MT sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp của TP.HCM tiếp cận được nguồn lực này.
Trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thêm, Bộ TN&MT có nhiều các Viện nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học; đây là nguồn lực rất lớn trong việc xây dựng các đề án, giải pháp mang tính khoa học trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học của Bộ TN&MT luôn sẵn sàng đồng hành cùng TP.HCM trong việc xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững
Trong thời gian tới Bộ TN&MT đang hoàn thiện các chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản… với quan điểm sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn TP.HCM sẽ tích cực tham gia đóng góp các ý kiến xây dựng dự thảo các luật để khi các chính sách pháp luật được ban hành sẽ phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh các đề xuất mang tính chất đặc thù của TP.HCM sẽ luôn được các cơ quan trực thuộc Bộ TN&MT quan tâm, thường xuyên cùng trao đổi, bàn bạc để sớm đưa ra những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho cả nước nói chung và cho TP.HCM nói riêng, trên tinh thần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Với những vấn đề chưa được quy định rõ, hai bên sẽ tiếp tục cùng nhau đề xuất, thống nhất đưa ra các giải pháp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.