Trước đó, dư luận rất bức xúc, hướng sự chỉ trích về phía Bộ GD-ĐT về tình trạng thiếu giáo viên (GV). Tuy nhiên, phía sau câu chuyện này có những điều cũng rất khó nói khi ngành giáo dục chỉ đủ thẩm quyền để đề xuất, kiến nghị.
Về phân quyền, quản lý nhà giáo thì ngành dọc là Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT không bổ nhiệm được hệ thống dọc, không luân chuyển được GV. Ở địa phương, giám đốc sở GD-ĐT cũng không có quyền điều động GV từ huyện này sang huyện kia, dù nơi thì thừa nơi lại thiếu. Ngay cả việc địa phương bổ nhiệm giám đốc sở GD-ĐT, nhiều năm gần đây, Bộ GD-ĐT cũng không còn được hỏi ý kiến, chưa nói đến quyền đề xuất.
Một giám đốc Sở GD-ĐT trần tình ở địa phương ông nhiều năm gần đây, quy trình tuyển dụng GV rất phức tạp và vai trò của ngành giáo dục (nơi trực tiếp sử dụng, đánh giá năng lực) vô cùng mờ nhạt. Hằng năm, Sở thẩm định kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp từ cơ sở đến cấp huyện, tổng hợp và trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, Sở phối hợp với Sở Nội vụ, căn cứ vào định mức số người làm việc theo quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu phân bổ của Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức T.Ư để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch đội ngũ.
Kế hoạch đội ngũ xong lại phải trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh phê duyệt và giao chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị. Trên cơ sở số người làm việc và hợp đồng lao động được giao, chương trình giáo dục từng bộ môn học, các đơn vị xác định nhu cầu tiếp nhận, tuyển dụng gửi Sở Nội vụ thẩm định để trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên của từng năm học.
Công tác tuyển dụng qua quá nhiều khâu, nhiều tầng lớp, dẫn đến “ách tắc”, chậm trễ khiến hiện nay cả nước thiếu 120.000 GV, trong đó có 72.000 biên chế được giao nhưng chưa tuyển dụng. Chưa kể nội dung, cách thức thi tuyển GV được đánh đồng với tất cả viên chức khác khiến đặc thù nghề nghiệp của GV bị bỏ qua, nghiệp vụ, chuyên môn sư phạm không được đề cao…
Chính vì vậy, đề xuất trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục hầu như không vấp phải ý kiến phản đối nào. Không chỉ các chuyên gia giáo dục mà ngành nội vụ và đa số đại biểu Quốc hội cũng thống nhất cao và cho rằng đây sẽ là chính sách có thể tháo điểm nghẽn trong công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Song, cũng cần làm rõ, việc trao quyền cho ngành giáo dục không có nghĩa chỉ là bộ, hay sở, phòng GD-ĐT mà cần phân cấp mạnh mẽ đến từng nhà trường, từng cơ sở giáo dục. Quyền ấy phải gắn với trách nhiệm về chất lượng đội ngũ tuyển dụng theo phân cấp quản lý. Luật Nhà giáo đang được Quốc hội thảo luận và hy vọng điểm nghẽn nói trên sẽ sớm được tháo gỡ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thao-diem-nghen-tuyen-giao-vien-185241122230351848.htm