Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bằng sức mạnh của lòng yêu nước và một chữ “đồng” – “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” trong Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), Đảng ta tiếp tục mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, dẫn đến sự ra đời của Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (5/1946), gọi tắt là Liên Việt. Tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I (31/10/1946), Quốc hội đã trao trọng trách cho Hồ Chí Minh lập Chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài không phân đảng phái. Chính phủ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch tỏ rõ tinh thần “quốc dân liên hiệp”, toàn dân đoàn kết.
Vận chuyển lương thực lên mặt trận Điện Biên Phủ (hình ảnh được vẽ trên bức tranh Panorama, thuộc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ). Ảnh: Lê Dung
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vang dậy núi sông, chứa đựng tình cảm thống thiết, tập hợp mọi lực lượng, quy tụ lòng dân: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác cùng với tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (8/1947) của Tổng Bí thư Trường Chinh thể hiện đường lối chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Theo đó, Đảng và Bác Hồ chú trọng bồi dưỡng những nhân tố bảo đảm kháng chiến thắng lợi như xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, thi đua yêu nước,… sợi chỉ đỏ xuyên qua các hoạt động đó là đoàn kết và yêu nước. Bác chỉ rõ trong các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thì nhân hòa là quan trọng hơn hết. Xây dựng Đảng, xây dựng quân đội phải coi đoàn kết và yêu nước là hạt nhân. Người nói “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.
Tại Thanh Hóa (tháng 2/1947), Người vạch ra kế hoạch xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu, từ đó nhân rộng ra cả nước, thể hiện mục tiêu và động lực của kháng chiến là “người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Nói chuyện với đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Người chỉ rõ “chính trị là đoàn kết và thanh khiết từ to đến nhỏ. Cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập thống nhất là sự đoàn kết. Ngày nay Tổ quốc lâm nguy mà chia rẽ thì bất lợi. Phải bỏ hết thù hiềm riêng để trả thù chung là bọn cướp nước, đó là giành thắng lợi”. Với chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường trong thực tiễn kháng chiến toàn dân, tạo cơ sở chính trị vững chắc cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Tại Đại hội II của Đảng (2/1951) Bác Hồ nêu rõ “địch âm mưu chia rẽ, thì ta nêu khẩu hiệu “đoàn kết toàn dân”. Thế là ngay từ lúc đầu, chiến lược của ta đã thắng chiến lược địch”. Đảng ta đề ra nhiệm vụ tăng cường đoàn kết dân tộc, củng cố Mặt trận Liên Việt – Việt Minh, đồng thời tăng cường đoàn kết quốc tế, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào, tiến đến thành lập Mặt trận Việt – Miên – Lào, mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước bạn trên thế giới. Trong Báo cáo chính trị, Bác nhấn mạnh “phát triển tinh thần yêu nước”, và khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Người chỉ rõ đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Tất cả mọi hạng người, mọi lứa tuổi đều có những việc làm như tiêu diệt giặc, ủng hộ bộ đội, phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân, còn tự mình thì xung phong giúp việc vận tải, các bà mẹ săn sóc bộ đội, công nhân, nông dân thi đua tăng gia sản xuất, đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ… Những cử chỉ cao quý đó tuy khác nhau nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước. Người coi tinh thần yêu nước như các thứ của quý. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Khẳng định vai trò to lớn của tinh thần yêu nước trong mấy năm kháng chiến, Bác nhấn mạnh chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và Nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc. Để phát huy được lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, Người chỉ rõ Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cùng với sự phát triển của kháng chiến, Mặt trận dân tộc thống nhất từng bước được củng cố và mở rộng. Tháng 3/1951, Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt khai mạc. Đại hội có đủ đại biểu các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc, già trẻ, nam nữ, cho thấy một “rừng cây đại đoàn kết đã nở hoa kết quả, gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão” như cảm nhận của Bác Hồ. Người tin tưởng khối đại đoàn kết ấy sẽ phát triển thành đoàn kết với các nước bạn, Nhân dân yêu chuộng hòa bình và dân chủ trên thế giới. Người tin tưởng lực lượng vô cùng vĩ đại ấy chẳng những giúp chúng ta kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, mà chúng ta lại góp sức vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình và dân chủ thế giới.
Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, chúng ta đã giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, Nhân dân ta đã đánh cho “voi” thực dân Pháp “lòi ruột ra”, đưa tới đại thắng ở Điện Biên Phủ vào mùa hè năm 1954, ghi dấu mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử, làm nên “vành hoa đỏ, thiên sử vàng”, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần đoàn kết của Nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của bè bạn quốc tế dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đó tiếp tục được phát huy cao độ trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đưa đến thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc làm điểm tương đồng. Do đó, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao.
PGS.TS Bùi Đình Phong