Xác định vụ xuân là vụ chủ lực, quyết định đến việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu sản xuất trồng trọt năm 2024. Bởi vậy, thời điểm này, người dân huyện Yên Định đang tập trung cải tạo đồng ruộng, chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp… để bảo đảm gieo cấy đúng khung thời vụ.
Người dân xã Định Hòa chuẩn bị mạ khay cho sản xuất vụ xuân 2024.
Theo kế hoạch, vụ xuân 2024 huyện Yên Định phấn đấu gieo trồng 12.300 ha trở lên, trong đó có 8.600 ha lúa, 700 ha ngô, 500 ha ớt trở lên; 300 ha ngô dày và cây thức ăn chăn nuôi, 450 ha mía và 1.550 ha rau đậu các loại và các cây trồng khác. Trên cơ sở phương án sản xuất của huyện, các xã, thị trấn xây dựng phương án sản xuất và giải pháp thực hiện đảm bảo cơ cấu cây trồng và thời vụ gieo trồng phù hợp với từng vùng, ưu tiên sản phẩm có thị trường và sản xuất theo hợp đồng.
Để vụ xuân cho năng suất, sản lượng cao và an toàn, cơ cấu thời vụ phải phù hợp để tạo quỹ đất, thời gian cho sản xuất vụ mùa và vụ đông. Theo đó, đối với thời vụ và cơ cấu lúa phải tăng diện tích sản xuất trà xuân muộn, ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao, giống dài ngày chỉ bố trí trên các chân đất đặc thù; khuyến cáo mở rộng diện tích lúa nếp, giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, gạo ngon, hạt dài như Thái Xuyên 111, VT 404, Thụy Hương 308, Q5, Lam Sơn 8… Bố trí gọn từng trà, mỗi cánh đồng chỉ sử dụng từ 1 đến 2 loại giống, gieo tập trung trong khoảng 3 đến 5 ngày. Ngoài ra, ưu tiên sử dụng các giống cây trồng khác như ngô nếp, ngô F1, giống lạc L14, ớt, khoai tây, rau an toàn, hoa, cây thức ăn gia súc, cây ăn quả…
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, người dân cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng cường ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất như che phủ ni lông 100% diện tích mạ để phòng chống rét, tăng cường sử dụng mạ khay, máy cấy và ứng dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ… Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như vùng lúa giống, rau an toàn, cây ăn quả, mía công nghệ cao, hoa cây cảnh, vùng sản xuất các loại cây đặc sản, vùng sản xuất hữu cơ… để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Để hỗ trợ người dân sản xuất, huyện cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc cho nông dân; nhất là thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và công tác dịch vụ phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, các HTX phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp có kế hoạch cung ứng đủ giống, vật tư, phân bón cho người dân đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đúng chủng loại, kịp thời vụ, giá cả hợp lý để sản xuất đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, để chủ động nước tưới và chống hạn cho cây trồng vụ xuân, huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Sông Mã tổ chức kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nạo vét các tuyến kênh dẫn nước từ đầu mối đến mặt ruộng. Cùng với đó, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng nước tưới tiêu hợp lý, khơi thông hệ thống kênh mương, chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất toàn bộ diện tích lúa vụ xuân đã được gieo cấy, nhằm bảo đảm hiệu quả và năng suất.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định Nguyễn Xuân Tùng cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, vụ xuân 2024 được đánh giá có nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu diễn ra trên quy mô toàn cầu, thời tiết bất thường, có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất… Bên cạnh đó, quy mô sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn diễn ra mạnh mẽ dẫn đến thiếu hụt lao động trong sản xuất, nhất là giai đoạn gieo trồng và thu hoạch ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất… Vì vậy, bên cạnh những hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân cần quan tâm đến thời tiết, nhất là các đợt không khí lạnh để chăm sóc, bảo vệ tốt cho mạ sinh trưởng, phát triển, bảo đảm đủ nguồn phục vụ cấy hết diện tích theo kế hoạch, đúng yêu cầu thời vụ…
Bài và ảnh: Lê Ngọc