Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Xác định được điều đó, huyện Yên Định đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt gắn công tác này với quảng bá, phát triển du lịch tại địa phương.
Hoạt động văn hóa – văn nghệ trên hồ bán nguyệt tại Lễ hội Đền Đồng Cổ năm 2023.
Yên Định là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng lâu đời. Nơi đây gắn với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng và nhiều di tích, lễ hội đặc sắc. Toàn huyện hiện có 49 di tích được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, huyện đã tiến hành kiểm kê 11 di tích; lập quy hoạch 21 di tích; bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp 17 di tích. Thực hiện nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, từ năm 2016 đến nay huyện Yên Định đã hoàn thành trùng tu, tôn tạo 8 di tích quan trọng, gồm Di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang (xã Định Hòa); chùa Thanh Nguyên (thuộc Di tích núi và đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ); Di tích Đình Trịnh Xá (xã Yên Ninh); đền thờ Đào Cam Mộc, xã Yên Trung; phủ Cẩm, xã Định Công… Tổng kinh phí được đầu tư thực hiện khoảng 240 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách Nhà nước khoảng 24 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Đồng thời, một số di tích đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đang thực hiện dự án như di tích quốc gia đền thờ Lê Đình Kiên, di tích đền Hổ Bái…
Bên cạnh các di tích, huyện Yên Định có 21 lễ hội truyền thống được gìn giữ và tổ chức thường xuyên. Trong đó, có nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa và giá trị lịch sử như: lễ hội Trò Chiềng, lễ hội đền Đồng Cổ, lễ hội đền Hổ Bái, lễ hội Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang,… Các lễ hội vừa đảm bảo các nghi lễ truyền thống vừa được thực hiện theo nếp sống mới, phù hợp với tình hình hiện nay. Nhờ đó, các lễ hội gắn với di tích được tổ chức đã góp phần quan trọng trong gìn giữ và phát huy giá trị di tích, di sản, văn hóa, nghệ thuật dân gian của địa phương.
Đặc biệt, với mục tiêu thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Yên Định đã ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Huyện đã ban hành Đề án “Phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử văn hóa huyện Yên Định, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Dựa trên cơ sở đó, huyện đã ban hành các kế hoạch tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với du lịch. Năm 2023, huyện Yên Định đã ban hành kế hoạch và tổ chức Lễ hội Đền Đồng Cổ gắn với phát triển du lịch. Theo đó, cùng với các nghi lễ truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao của Thần Đồng Cổ – một vị thần có từ thời Hùng Vương, Lễ hội Đền Đồng Cổ năm 2023 còn diễn ra nhiều hoạt động thể thao truyền thống và hiện đại; không gian “chợ quê” trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện Yên Định và các huyện lân cận; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể và các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc sắc của huyện Yên Định; tổ chức đoàn famtrip khảo sát, giới thiệu về các điểm du lịch và lễ hội… Lễ hội đã diễn ra thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của địa phương.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch, huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng các di tích trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình tôn tạo và bảo vệ, phát triển di tích. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ban quản lý di tích, ban hành quy chế hoạt động của ban quản lý di tích. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa, du lịch, quản lý di tích… cho cán bộ quản lý văn hóa và thông tin, công chức văn hóa xã, cán bộ quản lý, phục vụ tại các điểm di tích; liên kết mở các lớp tập huấn khôi phục lễ hội truyền thống; vận động các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ sau.
Công tác tuyên truyền được huyện đặc biệt quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tới các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương và ban quản lý di tích tăng cường phối hợp với các ban, đoàn thể, trường học tổ chức các hoạt động hướng về nguồn, dã ngoại, nói chuyện truyền thống nhằm giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện cho du khách và Nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho người dân.
Đặc biệt, huyện đã thực hiện số hóa dữ liệu di tích văn hóa – lịch sử trên địa bàn huyện. Đến nay, một số di tích đã được số hóa như: Di tích Núi và Đền Đồng Cổ, Di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang, Di tích Đền Lê Đình Kiên, Di tích Đình làng Là, Di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt, Di tích Đền thờ Ngọ Tư Thành, Di tích Chùa Hưng Phúc… Ngoài ra, huyện cũng đã số hóa điểm du lịch phủ Cẩm, xã Định Công – nơi có nhiều di tích, đền, chùa, miếu, phủ với lối kiến trúc điêu khắc, nghệ thuật đặc sắc, độc đáo mang đậm sắc thái Việt cùng nhiều nét văn hóa đặc trưng.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch đang là một hướng đi đúng đắn và tất yếu, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Do đó, huyện Yên Định cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch để góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Bài và ảnh: Quỳnh Chi